1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp Mỹ sợ mất đối tác Trung Quốc?

(Dân trí) - Cách đây khoảng 1 tháng, khi tập đoàn Mattel của Mỹ tiến hành thu hồi các bộ đồ chơi nhiễm chì, họ đã nhanh chóng đổ lỗi cho các nhà cung cấp ở Trung Quốc, như thể Mattel chẳng có trách nhiệm gì đối với chất lượng sản phẩm gắn mác của chính họ. Tuy nhiên, mới đây họ đã thay đổi hẳn thái độ. Đâu là thực chất sự việc?

Hôm 21/9, ông Thomas A. Debrowski, Phó Chủ tịch Mattel, đã công khai xin lỗi Trung Quốc và các nhà cung cấp của nước này. "Uy tín của chúng tôi gần đây đã bị ảnh hưởng do các vụ thu hồi sản phẩm. Mattel nhận toàn bộ trách nhiệm về các vụ thu hồi này và xin lỗi người dân Trung Quốc, cũng như tất cả những khách hàng đã mua sản phẩm." Ông Debrowski nói như vậy với một quan chức phụ trách an toàn sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc.

 

Theo đánh giá của giới phân tích, "bước lùi" này không phải là một hành xử đẹp, xuất hiện một cách bộc phát, hay thậm chí là hành động bất ngờ thể hiện trách nhiệm của một công ty có tên trong danh sách Fortune 500 như Mattel, mà đó là dấu hiệu cho thấy thế cân bằng trong quan hệ giữa các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng Mỹ với các nhà cung cấp Trung Quốc.

 

Mấy năm gần đây, các tập đoàn như Mattel phải theo đuổi một chiến lược thận trọng. Đó là từ bỏ hoạt động sản xuất lợi nhuận thấp và đòi hỏi nhiều vốn, để tập trung vào hoạt động nhượng quyền sản xuất và marketing với lợi nhuận cao hơn.

 

Việc theo đuổi chiến lược kinh doanh này khiến họ phải thường xuyên tìm kiếm các khu vực có chi phí sản xuất thấp. Kết quả là Trung Quốc nhanh chóng trở thành “công xưởng của thế giới”.

 

Hiện nay, Mattel và nhiều công ty khác của Mỹ không thể duy trì hoạt động kinh doanh nếu thiếu các đối tác Trung Quốc. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, họ cần những nhà cung cấp có khả năng sản xuất nhanh, giao hàng sớm để họ có thể chạy đua tốc độ với các đối thủ cạnh tranh; đồng thời có khả năng hoạt động với công suất như yêu cầu, với mức chi phi theo yêu cầu.

 

Tất nhiên, các nhà sản xuất đồ chơi của Trung Quốc cũng cần đơn đặt hàng của Mattel. Nhưng giờ đây đó là một mối quan hệ hai chiều, ngang sức.

 

Phía Mỹ cũng không thể làm mếch lòng đối tác Trung Quốc - không phải vì họ có thể đột ngột ngừng cung cấp hàng hóa cho Mỹ, mà vì nền kinh tế Mỹ lâu nay đã phát triển theo hướng có nhiều phụ thuộc vào Trung Quốc.

 

Các công ty của Mỹ cần đối tác Trung Quốc để sản xuất hàng hóa với chi phí thấp hơn để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhiều công ty, từ Wal-Mart đến General Motors, từ Starbucks đến McDonald's - đều thấy rằng họ cần đối tác Trung Quốc vì đây cũng là một thị trường tiêu dùng rộng lớn đầy tiềm năng.

 

Cho tới gần đây, các công ty lớn vẫn không thắc mắc nhiều về việc làm thế nào mà Trung Quốc có thể hoàn thành tất cả các hợp đồng sản xuất hàng hóa mà họ yêu cầu. Và nhìn chung các doanh nghiệp không hề chú ý tới mặt trái của sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc - ô nhiễm môi trường, vấn đề bản quyền… - chủ yếu do họ coi đây là những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, diễn biến vụ thu hồi sản phẩm của Mattel đang cho thấy mối quan hệ giữa hai nước cách xa nhau cả nửa vòng trái đất đã vượt xa hơn mối quan hệ bên cung cấp-bên thu mua đơn thuần.

 

Diễn biến của nền kinh tế hai nước đang có những ảnh hưởng nhất định lẫn nhau.

 

Tất cả chỉ để nói rằng không thể có chuyện lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, hoặc người tiêu dùng Mỹ, những người đang được hưởng lợi từ nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc, đơn giản đổ hết mọi trách nhiệm cho đối tác Trung Quốc khi nảy sinh các vấn đề đối với sản phẩm, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước điều kiện sản xuất ở Trung Quốc.

 

Doanh nghiệp Mỹ cũng cần có trách nhiệm cải thiện điều kiện sản xuất ở Trung Quốc, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tăng trách nhiệm xã hội, như những gì họ đã làm với các nhà máy của Mỹ cách đây 1 thế kỷ.

 

Giới truyền thông đánh giá lời xin lỗi của Mattel tuy hơi muộn, nhưng phần nào cũng giúp loại bỏ những nghi ngờ của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và "giải oan" cho công nhân Trung Quốc.

 

Bắc Kinh khẳng định rằng đây chỉ là sự cố "con sâu làm rầu nồi canh", đồng thời cam kết sẽ siết chặt và thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm, dược phẩm và các sản phẩm tiêu dùng khác. 

 

Đặng Lê

Theo Newsweek, AP