Quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Á ra sao nếu Trump làm tổng thống?
(Dân trí) - Trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần qua với New York Times, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã chia sẻ những quan điểm về chính sách đối ngoại nếu ông chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Trong cuộc phỏng vấn được coi là chuyên sâu nhất từ trước đến nay về quan điểm chính sách đối ngoại của ứng viên Donald Trump, tỷ phú này đã bày tỏ chính kiến đối với hàng loạt vấn đề từ an ninh Đông Á đến khủng hoảng Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xung (IS), quan hệ với các đồng minh châu Á hay Ả rập Xê út.
Quan điểm của ông Trump có thể tổng kết đó là chính sách “nước Mỹ trước tiên”. Tỷ phú này nói rằng, ông không phải là người theo trường phái cô lập, nhưng Mỹ đang trở thành một con nợ khi ồ ạt đổ tiền cho các đồng minh như NATO, Ả rập Xê út hay các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Do đó, Mỹ phải là trước hết, chúng ta sẽ không còn bị cấu xé nữa. Chúng ta sẽ là bạn bè của tất cả, nhưng sẽ không để bất cứ ai lợi dụng”, ứng viên tổng thống này nói.
Ông Trump muốn giảm các đầu tư quân sự của Mỹ ở châu Á và đòi các đồng minh phải trả phí nếu muốn được quân đội Mỹ bảo vệ. Ông nói, nước Mỹ không còn nhiều tiềm lực tài chính để đầu tư cho các đồng minh châu Á.
Trump cho biết, ông sẽ rút quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản nếu hai quốc gia đồng minh này không tăng đáng kể khoản chi trả cho sự hiện diện của Mỹ ở đây. “Chúng tôi không thể mất hàng tỷ USD cho những việc này", Trump nói.
Giới chuyên gia quốc phòng cảnh báo rằng, nếu chính quyền tiếp theo của Mỹ theo đuổi chính sách như Trump đã nêu, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách xoay trục sang châu Á mà chính quyền Tổng thống Barack Obama theo đuổi những năm gần đây, và nó sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng quân sự ở khu vực Thái Bình Dương.
Kim Beazley, cựu bộ trưởng quốc phòng và đại sứ Úc tại Washington, nói rằng Úc cần chuẩn bị sẵn cho mọi tình huống có thể xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. “Nếu những chính sách này được áp dụng, Úc sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản vai trò của Mỹ ở châu Á sẽ giảm dần. Đó sẽ là một thách thức thực sự và sẽ là một khu vực rất khác”, ông Kim bình luận.
Quan điểm chính sách của ông Trump đưa ra trong bối cảnh khu vực châu Á đang leo thang căng thẳng do hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng như các hoạt động bồi lấp, cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines được coi là những đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á.
Bình luận về vấn đề hạt nhân, ứng viên Trump ủng hộ việc Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân để phòng vệ trước Triều Tiên. "Do Triều Tiên đang sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ tốt hơn nếu các láng giềng của Bình Nhưỡng cũng có những loại vũ khí tương tự", ông Trump nói.
Trong khi đó, Trump lên tiếng chỉ trích chính sách của chính quyền Tổng thống Obama trong vấn đề Syria cũng như chiến dịch chống IS. Tỷ phú này nói rằng, vấn đề của Syria không phải là Tổng thống Bashar al-Assad mà là IS và do đó theo ông cần tập trung phá hủy nguồn dầu mỏ đem lại thu nhập cho IS và cắt các kênh tài chính bí mật của IS. Ông nói, nếu có thể ông muốn ngừng nhập khẩu dầu từ các nước Trung Đông như Ả rập Xê út nếu các nước này từ chối điều lực lượng trên bộ chống IS.
Ông Trump cho rằng, Mỹ cần được các nước Ả rập hoàn trả lại tiền vì đã cung cấp an ninh cho họ, nhất là đối với những quốc gia như Ả rập Xê út. "Tất nhiên, không có chúng ta, Ả rập Xê út sẽ không tồn tại được lâu", ông Trump nói.
Bàn về Trung Quốc ở Biển Đông, Trump cho rằng, Trung Quốc sẽ lấn tới và xây dựng Biển Đông thành một "pháo đài" quân sự. Theo ông, cách tốt nhất để ngăn cản các hành động trái phép của Trung Quốc như xây đường băng, triển khai tên lửa tại các đảo, đá ở Biển Đông chính là đe doạ về mặt kinh tế, đe doạ sự tham gia của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. “Chúng ta có một sức mạnh kinh tế to lớn so với Trung Quốc. Đó chính là quyền lực của thương mại”, tỷ phú Trump nói.
Minh Phương
Tổng hợp