1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Donald Trump khuyến khích Nhật, Hàn phát triển vũ khí hạt nhân

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn trực tuyến tối 26/3, ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đã có một loạt hé lộ “sốc” về chính sách đối ngoại của mình nếu đắc cử, trong đó có khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân.

Không chỉ để ngỏ khả năng khuyến khích hai đồng minh tại Đông Á phát triển vũ khí hạt nhân, ông Trump còn tuyên bố sẽ cân nhắc dừng mua dầu mỏ từ đồng minh Arập Xêút, nếu nước này không đẩy mạnh nỗ lực chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hoặc “bồi hoàn đáng kể” cho nước Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức này.


Donald Trump có nhiều quan điểm gây tranh cãi về chính sách đối ngoại. (Ảnh: CBS)

Donald Trump có nhiều quan điểm gây tranh cãi về chính sách đối ngoại. (Ảnh: CBS)

“Nếu Arập Xêút không có được chiếc áo choàng bảo vệ của Mỹ, tôi không nghĩ họ còn tồn tại”, ông Trump tuyên bố trong chương trình phỏng vấn 100 phút về chính sách đối ngoại.

Vị tỷ phú bất động sản cũng cho rằng cần phải cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc tự phát triển kho vũ khí hạt nhân, thay vì phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhận của Mỹ để đảm bảo an ninh trước Triều Tiên và Trung Quốc.

Nếu nước Mỹ “tiếp tục đi theo con đường hiện tại, con đường của sự yếu đuối, những nước đó rồi sẽ muốn có được những thứ đó (vũ khí hạt nhân), dù tôi có bàn luận đến nó hay không”, ông Trump khẳng định, trước khi nói sẵn sàng rút các lực lượng Mỹ khỏi hai quốc gia Đông Á, nếu những nước này không chịu tăng đáng kể phần đóng góp vào chi phí ăn, ở cho binh sỹ. “Không vui vẻ gì, nhưng câu trả lời là có”, ứng viên đảng Cộng hòa nói

Vị tỷ phú còn tuyên bố muốn đàm phán lại nhiều hiệp ước mang tính nền tảng với các đồng minh của Mỹ, trong đó không loại trừ hiệp ước an ninh đã tồn tại 56 năm với Nhật. Ông Trump xem hiệp ước này chỉ mang tính một chiều.

Theo quan điểm của ứng viên này, nước Mỹ đã trở thành một cường quốc nhạt nhòa, và cơ chế ông Trump lựa chọn để đưa Mỹ trở lại vị trí trung tâm của thế giới là thông qua đàm phán về kinh tế.

Ông Trump cũng đề cập tới hầu như mọi cuộc xung đột quốc tế dưới lăng kính của một nhà đàm phán, cho dù tỏ ra thiếu chính xác về những mục tiêu chiến lược ông hướng tới. Tỷ phú này không quên chỉ trích chính quyền Tổng thống Obama đã sai lầm trong các cuộc đàm phán với Iran hồi năm ngoái, với khẳng định “lẽ ra sẽ tốt hơn nhiều nếu họ từ bỏ nó không chỉ một lần”, Trump nói.

Dù vậy tỷ phú này chỉ đưa ra được một ý tưởng mới về cách thức mình sẽ xử lý vụ việc, đó là cấm hoạt động thương mại của Iran với Triều Tiên.

Donald Trump tin rằng các đồng minh phải chi thêm tiền cho sự hiện diện của các lực lượng Mỹ. (Ảnh: Getty)
Donald Trump tin rằng các đồng minh phải chi thêm tiền cho sự hiện diện của các lực lượng Mỹ. (Ảnh: Getty)

Khi đề cập đến tương lai của NATO, ứng viên dẫn đầu cuộc đua của đảng Cộng hòa cũng nói với giọng điệu tương tự, khi cho rằng tổ chức này “không công bằng, về mặt kinh tế, với nước Mỹ”, và để ngỏ khả năng thành lập một tổ chức thay thế, với nhiệm vụ trọng tâm là chống khủng bố.

Với vấn đề Biển Đông, ông Trump cho rằng cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đường băng quân sự và đặt các hệ thống tên lửa phòng không trên các cấu trúc nhân tạo, mà nước này bồi đắp phi pháp, là đe dọa hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ.

“Chúng ta có uy thế khổng lồ về kinh tế với Trung Quốc. Và đó là quyền lực của thương mại”, ông Trump nói. Thế nhưng tỷ phú này không đề cập tới khả năng Bắc Kinh trả đũa bằng đòn kinh tế.

Ứng viên này cho rằng, các quan điểm của mình, không hề ăn nhập với lịch sử gần đây của đảng Cộng hòa. Ông Trump không nằm trong nhóm có tư tưởng quốc tế hóa của cựu Tổng thống George Bush, và cũng không ủng hộ lời kêu gọi của ông Bush về việc nước Mỹ phải gánh vác sứ mệnh truyền bá dân chủ toàn thế giới. Ông Trump cho rằng các ý tưởng của mình có thể được tóm tắt trong cụm từ “Nước Mỹ trước hết”.

“Tôi không phải người theo chủ nghĩa cô lập, mà vì nước Mỹ trước hết”, Trump nói. “Tôi thích cách nói đó”. Tỷ phú này cho biết sẵn sàng cân nhắc lại những quan hệ đồng minh truyền thống của Mỹ nếu các đối tác không sẵn sàng chi nhiều hơn, dưới dạng tiền mặt hoặc cam kết điều động binh sỹ, cho sự hiện diện của các lực lượng Mỹ khắp thế giới. “Chúng ta sẽ không thể bị bóc lột thêm nữa”, ứng viên này tuyên bố.

Thanh Tùng

Theo NY Times