1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quân đội Myanmar liên tiếp gánh lệnh trừng phạt sau binh biến

Minh Phương

(Dân trí) - Nhiều nước trên thế giới đã lên án và áp lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép buộc quân đội Myanmar khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.

Quân đội Myanmar liên tiếp gánh lệnh trừng phạt sau binh biến - 1
Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing - người nắm quyền điều hành Myanmar sau binh biến ngày 1/2. (Ảnh: Reuters)

Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/2 đã ban hành sắc lệnh hành pháp mở đường cho các lệnh trừng phạt mới nhằm vào quân đội Myanmar và những doanh nghiệp mà họ có lợi ích.

Theo sắc lệnh trên, Mỹ đóng băng tài khoản 1 tỷ USD của ngân hàng trung ương Myanmar gửi tại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở New York. Lệnh đóng băng tài sản được đưa ra khi chính quyền quân sự Myanmar được cho là tìm cách rút số tiền trên ngay sau binh biến. Một số tướng lĩnh Myanmar, trong đó có Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hllaing, đã bị liệt vào danh sách trừng phạt trước đó của Washington.

Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt với 12 sĩ quan Myanmar bị cáo buộc liên quan đến binh biến cùng với một số doanh nghiệp quân đội trong ngành đá quý. Theo đó, Mỹ đóng băng toàn bộ tài sản của những người này ở Mỹ và cấm công dân Mỹ giao dịch, làm ăn với các cá nhân và doanh nghiệp này. Các con của Thống tướng Min Aung Hlaing và doanh nghiệp họ điều hành mới đây cũng bị áp các lệnh trừng phạt tương tự.

Hôm 22/3, Bộ Tài chính Mỹ đưa thêm lãnh đạo cảnh sát và một tư lệnh quân đội Myanmar vào danh sách trừng phạt cùng với hai đơn vị quân đội. Bốn bộ và doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành cũng bị Bộ Thương mại Mỹ áp lệnh trừng phạt hôm 3/4. Theo đó, Mỹ siết quy định xuất khẩu hàng hóa cho Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cũng như cho 2 doanh nghiệp quân đội gồm Công ty TNHH Kinh tế Myanmar (MEHL) và Tổ chức Hợp tác Kinh tế Myanmar (MEC).
Liên minh châu Âu (EU)

Các ngoại trưởng EU hôm 22/3 đã nhất trí áp lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản với 11 cá nhân bị cáo buộc liên quan đến binh biến Myanmar. Trong số những nhân vật này có Thống tướng Min Aung Hlaing và Myint Swe - người giữ chức quyền Tổng thống Myanmar sau binh biến.

Giới ngoại giao EU nói với Reuters rằng, khối này sẽ sớm siết trừng phạt Myanmar hơn nữa, trong đó có biện pháp cấm nhà đầu tư và ngân hàng EU làm ăn với MEHL và MEC - hai đơn vị mang lại nguồn thu cho quân đội Myanmar. Trước đó, EU đã áp lệnh cấm vận vũ khí với Myanmar và trừng phạt một số quan chức quân đội của nước này kể từ năm 2018.

Liên Hợp Quốc

Các động thái của Liên Hợp Quốc chống lại quân đội Myanmar đến nay vẫn tương đối hạn chế do vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc - hai thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an.

Hội đồng Bảo an đã ra hai tuyên bố bày tỏ quan ngại và lên án bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Myanmar, nhưng không coi binh biến ở Myanmar là "đảo chính" để mở đường cho các hành động cứng rắn hơn nữa. Mặc dù vậy, các cuộc đàm phán tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an có thể là dấu hiệu cho thấy tổ chức này có thể sẽ hành động cứng rắn hơn nữa với Myanmar trong thời gian tới nếu tình hình không cải thiện.

Các nước khác

Một tuần sau binh biến ở Myanmar, New Zealand đã đóng băng các liên hệ cấp cao với Myanmar và áp lệnh cấm nhập cảnh đối với các lãnh đạo quân đội. Anh và Canada cũng áp lệnh trừng phạt quân đội Myanmar hôm 13/2. Anh tuyên bố đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh đối với 3 tướng lĩnh Myanmar, trong khi Canada đưa 9 quan chức quân đội Myanmar vào "danh sách đen". Ngoài ra, Anh cũng cấm công dân của mình gián tiếp hỗ trợ quân đội Myanmar.

Hôm 7/3, Australia thông báo đóng băng hợp tác với quân đội Myanmar và sẽ chuyển hướng các khoản viện trợ vốn dành cho quân đội Myanmar sang cho các tổ chức khác. Ngoài các lệnh trừng phạt trên, một số doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có mối quan hệ làm ăn với quân đội Myanmar như Công ty Kirin của Nhật Bản, cũng cắt đứt quan hệ với quân đội Myanmar.

Quân đội Myanmar liên tiếp hứng các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi. Trong nước, làn sóng biểu tình phản đối binh biến vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Đến nay khoảng 250 người đã thiệt mạng và hơn 2.000 người bị bắt trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Myanmar.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm