1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Myanmar hứng "đòn giáng" liên tiếp vì đảo chính

Thành Đạt

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) thông báo trừng phạt 11 cá nhân liên quan tới cuộc đảo chính ở Myanmar. Trong khi đó, một liên doanh quốc tế cũng đình chỉ dự án đập thủy điện 1,5 tỷ USD tại nước này.

Myanmar hứng đòn giáng liên tiếp vì đảo chính - 1

Người biểu tình phản đối đảo chính tại Yangon, Myanmar ngày 17/3 (Ảnh: Reuters).

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh Liên minh châu Âu (EU), thông báo EU ngày 22/3 sẽ áp lệnh trừng phạt đối với 11 cá nhân liên quan tới cuộc đảo chính tại Myanmar.

"Trong vấn đề Myanmar, chúng tôi sẽ áp lệnh trừng phạt đối với 11 cá nhân có liên quan tới cuộc đảo chính và hành vi trấn áp biểu tình", ông Borrell nói, đồng thời cho biết tình hình tại Myanmar ngày càng xấu đi.

Danh tính của các cá nhân bị áp lệnh trừng phạt dự kiến sẽ được công bố sau khi các bộ trưởng chính thức đưa ra quyết định về lệnh trừng phạt.

Mặc dù EU đã áp lệnh cấm vận Myanmar và nhắm mục tiêu trừng phạt đối với một số quan chức quân đội nước này từ năm 2018, song các lệnh trừng phạt mới nhất được xem là phản ứng mạnh mẽ nhất của EU với quốc gia Đông Nam Á kể từ khi đảo chính xảy ra.

Các nhà ngoại giao EU cho biết các tập đoàn lớn của quân đội Myanmar có thể sẽ nằm trong danh sách trừng phạt, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư và ngân hàng của EU sẽ không thể giao dịch với các tập đoàn này.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết số ca tử vong tại Myanmar đã lên tới con số "không thể chấp nhận được" và đó là lý do EU sẽ áp lệnh trừng phạt.

"Chúng tôi không có ý định trừng phạt người dân Myanmar, mà sẽ trừng phạt những người vi phạm trắng trợn quyền con người", ông Maas nói thêm.

Trong một diễn biến khác, một liên doanh quốc tế đã quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện Shweili-3 công suất 671 MW tại Myanmar, vốn vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch ban đầu. Dự án do một liên doanh quốc tế vận hành, trong đó có tập đoàn điện lực Electricite de France (EDF) của Pháp, tập đoàn Marubeni của Nhật Bản và công ty Ayeyar Hinthar của Myanmar.

"Dự án đã bị đình chỉ", một phát ngôn viên của EDF cho biết hôm 22/3.

Các tổ chức phi chính phủ đã hoan nghênh quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện trên. Tổ chức Công lý cho Myanmar cho rằng bang Shan, nơi đặt dự án thủy điện Shweli-3, là khu vực đang có "xung đột tiếp diễn và vi phạm quyền con người nghiêm trọng".

Trong thư gửi Tổ chức Công lý cho Myanmar, EDF cho biết "việc tôn trọng nhân quyền" là điều kiện cho mọi dự án của tập đoàn.

Một số tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi tập đoàn năng lượng Pháp Total rút hoạt động khỏi Myanmar. Tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) thậm chí còn cáo buộc tập đoàn này là một trong những nguồn đóng góp tài chính chủ yếu cho chính quyền quân đội Myanmar.

Total ngày 19/3 ra thông báo khẳng định tập đoàn này tiến hành các hoạt động với tinh thần "trách nhiệm, tôn trọng pháp luật và vì quyền con người toàn cầu".

Gần 250 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Myanmar từ sau khi đảo chính xảy ra hôm 1/2. Ngoài ra, hơn 2.300 người khác đã bị bắt. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra vào cuối tuần qua, bất chấp sự mạnh tay của lực lượng an ninh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm