1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quân đội Mỹ muốn gia tăng kiềm tỏa Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ muốn gia tăng hiện diện quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hình thành các kế hoạch nhằm ngăn Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Quân đội Mỹ muốn gia tăng kiềm tỏa Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương - 1

Một tàu sân bay của hải quân Mỹ (Ảnh: Wikipedia).

SCMP đưa tin, trong khi đội đặc nhiệm 15 thành viên của Lầu Năm Góc đang xem xét việc thiết lập chính sách liên quan tới Trung Quốc, các quan chức quân đội Mỹ đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong những tuần qua khi kêu gọi Washinngton tăng thêm nguồn lực tới Ấn Độ - Thái Bình Dương để duy trì "lợi thế cạnh tranh" đối với Trung Quốc.

Hồi đầu tháng, Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, đã đệ trình đề xuất lên quốc hội Mỹ về khoản chi ngân sách 27,3 tỷ USD cho việc xây dựng quân đội và tăng cường hợp tác với các đồng minh để duy trì lợi thế trước Trung Quốc.

Khoản tiền trên được đề xuất chi vào các hạng mục như: 4,6 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương cho năm 2021 và ngân sách cho tên lửa và hệ thống phòng không mới, hệ thống radar, khu vực trung chuyển, trung tâm chia sẻ thông tin tình báo, kho tiếp liệu và bãi thử trên toàn khu vực, cũng như ngân sách cho các cuộc tập trận với các đồng minh và đối tác từ năm 2022 đến năm 2027.

Ngày 11/3, tướng Richard Coffman, giám đốc đội phương tiện chiến đấu đa chức năng thế hệ tiếp theo thuộc lục quân Mỹ, tuyên bố rằng Washington sẽ cần phương tiện bọc thép hiện đại nếu xảy ra kịch bản về một cuộc chiến trên bộ với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Ông Coffman đưa ra bình luận trên vài ngày sau khi tướng Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cho biết nước này cần tăng chi tiêu quân sự để chuẩn bị cho kịch bản một cuộc chiến có thể xảy ra với Mỹ.

Hầu hết các khu vực tác chiến dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đều có sự tham gia hải quân, không quân, và thủy quân lục chiến. Tuy nhiên, ông Coffman nhận định rằng tác chiến trên bộ sẽ là lĩnh vực có tính quyết định.

Trước đó, Đô đốc Davidson từng cảnh báo Mỹ có thể mất đi lợi thế quân sự trước Trung Quốc trong khu vực trong thời gian tới.

Chuyên gia Kashish Parpiani từ tổ chức nghiên cứu Observer (Ấn Độ) nhận định rằng những phát ngôn gần đây của các quan chức Mỹ là thông điệp gửi tới những người lo ngại chính quyền Biden sẽ chuyển trọng tâm ra khỏi Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Parpiani cho biết các bình luận của ông Davidson và đề xuất từ ông Aquilino có thể cho thấy chính quyền Biden có ý định tiếp tục triển khai các hoạt động tuần tra tự do hàng hải nhằm thể hiện sự hiện diện lâu dài của Hải quân Mỹ trong khu vực.

Renato De Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, cho rằng kế hoạch của ông Davidson liên quan đến việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Guam và Palau, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường vũ khí trên bộ dọc theo "chuỗi đảo thứ nhất". Thuật ngữ này được Trung Quốc sử dụng để chỉ khu vực nối Nhật Bản, Đài Loan và Philippines mà Bắc Kinh coi là hàng rào phòng thủ quan trọng, đặc biệt là chống lại sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Ông De Castro cũng cho rằng khu vực Đông Nam Á hiện đang tồn tại mối quan ngại về việc các quốc gia tại đây có thể bị "mắc kẹt" trong cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm