1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Quân cờ" vắc xin giúp Trung Quốc ghi điểm tại sân nhà của Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ lo ngại việc Trung Quốc phân phối vắc xin Covid-19 của nước này tại Mỹ Latinh có thể giúp Bắc Kinh củng cố vị thế trong khu vực và làm suy yếu ảnh hưởng của Washington.

Quân cờ vắc xin giúp Trung Quốc ghi điểm tại sân nhà của Mỹ - 1

Tổng thống Bolivia Luis Arce công bố thỏa thuận ký với Trung Quốc về việc cung cấp vắc xin Covid-19 của hãng dược Sinopharm hồi tháng 2 (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC), cơ quan giám sát các tác động của quan hệ Mỹ - Trung đối với an ninh quốc gia, đã được cảnh báo rằng Mỹ cần bắt đầu gửi vắc xin Covid-19 do nước này sản xuất đến các nước ở khu vực Mỹ Latinh, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm giành lại sự ủng hộ của các nước láng giềng.

"Người Trung Quốc đã biến mỗi chuyến bàn giao vắc xin tới đường băng sân bay là một sự kiện để quảng bá. Tổng thống của nước nhận vắc xin sẽ xuất hiện và những thùng vắc xin gắn quốc kỳ Trung Quốc sẽ được đưa ra", R. Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Mỹ, nói với USCC.

Tuy nhiên, ông Ellis cho rằng vắc xin của Trung Quốc vẫn kém hiệu quả hơn nhiều so với vắc xin của Mỹ. Điều này đã mở ra cơ hội cho Mỹ nếu Washington quyết định vận chuyển vắc xin đến khu vực Mỹ Latinh.

"Chile đã tiêm vắc xin cho 80% dân số bằng vắc xin Trung Quốc, nhưng virus vẫn tiếp tục lây lan. Chuyện này cũng xảy ra tương tự ở Colombia", ông Ellis cho biết thêm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này thông báo Mỹ sẽ tăng xuất khẩu vắc xin sang các nước khác lên 80 triệu liều vào cuối tháng 6. Trong khi đó, theo thống kê của hãng Bridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc cho đến nay đã bán 651 triệu liều vắc xin trên toàn cầu và tài trợ 18,3 triệu liều.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Washington tiếp tục coi tham vọng toàn cầu và sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh là vấn đề đáng báo động. Tổng thống Joe Biden và cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đều coi các chính sách của Trung Quốc là mối đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu.

Chính sách ngoại giao vắc xin 

Quân cờ vắc xin giúp Trung Quốc ghi điểm tại sân nhà của Mỹ - 2

Vắc xin được sản xuất tại Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Theo SCMP, sự năng động của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch, khi chính sách ngoại giao vắc xin đã góp phần "nối dài cánh tay" của Bắc Kinh tới các nước Tây bán cầu, ngoài các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Các chuyên gia nhận định Mỹ không có nhiều hành động hiệu quả để "đáp trả", trong khi Trung Quốc gửi vật tư y tế, xây đập và xây đường cao tốc trên khắp Mỹ Latinh.

Theo chuyên gia Cynthia Watson tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Mỹ, những nỗ lực tiếp cận của Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch cho thấy sự khéo léo của Bắc Kinh trong việc tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh, thông qua các sáng kiến có quy mô tương đối nhỏ.

Ngược lại, Mỹ thường lựa chọn các phương pháp tiếp cận quy mô lớn - như các hiệp ước, vốn mất nhiều thời gian hơn để đàm phán và thu lại kết quả. Watson ví cách Mỹ dùng đá để lấp đầy một chiếc bình so với phương pháp dùng cát của Trung Quốc.

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng bị chỉ trích vì đã tạo ra khoảng trống quyền lực lớn hơn cho Mỹ trong khu vực, một phần do buộc các nước phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh.

Một yếu tố khác khiến tầm ảnh hưởng của Washington giảm dần trong khu vực là bởi lập trường cứng rắn trong chính trường Mỹ, bao gồm cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, về vấn đề nhập cư từ các nước Mỹ Latinh.

"Đây là một khu vực trên thế giới mà Mỹ phải có lợi ích lớn nhất hoặc có mối quan hệ chặt chẽ nhất. Nhưng vì sự lo ngại ngày càng tăng ở Mỹ về việc nhập cư qua biên giới nên chúng ta đã không vun đắp cho các mối quan hệ mà chúng ta đã xây dựng được", chuyên gia Watson nhận định.

Giới phân tích cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh đã rạn nứt ít nhất kể từ năm 2001. Sự rạn nứt càng khoét sâu hơn khi Trung Quốc tăng cường các dự án phát triển và tài trợ trong khu vực, lôi cuốn các chính phủ trên khắp Mỹ Latinh.

"Chính phủ Mỹ nên hiểu rằng sự gần gũi hơn về văn hóa và địa lý với khu vực Mỹ Latinh và Caribe không phải là lý do đủ để họ duy trì tầm ảnh hưởng của mình đối với khu vực. Để lấy lại một phần vai trò của mình với khu vực như trước năm 2001, Mỹ nên cung cấp cho khu vực này những hàng hóa công cộng như từng làm trước đây", Watson cho biết.

Lựa chọn duy nhất

Quân cờ vắc xin giúp Trung Quốc ghi điểm tại sân nhà của Mỹ - 3

Quan chức Brazil cầm ống vắc xin CoronaVac Covid-19 của Trung Quốc khi máy bay chở 5,5 triệu liều vắc xin đến Campinas, Brazil (Ảnh: Reuters).

Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm đến vắc xin Covid-19 của Trung Quốc, bất chấp những lo ngại về tính hiệu quả của chúng. Nhu cầu về vắc xin Trung Quốc dự kiến tăng hơn nữa sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng 5 cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, cho phép các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh tiếp cận chúng thông qua Covax - chương trình tiêm chủng vắc xin toàn cầu.

Theo Bloomberg, với tư cách là nhà cung cấp vắc xin, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của nước này vào thời điểm Mỹ và EU vẫn đang đối phó với đại dịch toàn cầu, trong khi các điểm nóng Covid-19 hoành hành ngoài tầm kiểm soát ở Ấn Độ, Brazil và các nơi khác.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới, đã làm cạn kiệt nguồn cung vắc xin và khiến nhiều nước quay sang Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Mỹ, quốc gia trong nhiều tháng chỉ tập trung vào việc thúc đẩy tiêm chủng trong nước, đã bị chỉ trích dữ dội vì tích trữ vắc xin trong khi nguồn cung toàn cầu vẫn đang thiếu.

"Trung Quốc không chỉ trở thành nhà xuất khẩu vắc xin lớn nhất. Ở nhiều quốc gia, vắc xin Trung Quốc đã trở thành lựa chọn duy nhất", Yanzhong Huang, chuyên gia về Trung Quốc và là nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết.