1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây xóa dần những lằn ranh đỏ ở Ukraine

Dương Đăng

(Dân trí) - Cùng với diễn biến của chiến sự Nga - Ukraine, phương Tây đang dần nới lỏng các hạn chế liên quan đến chính sách hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Phương Tây xóa dần những lằn ranh đỏ ở Ukraine - 1

Các máy bay F-16 của phương Tây trên bầu trời Ukraine (Ảnh: Reuters).

Kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" hồi tháng 2/2022, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí từ các đồng minh phương Tây để duy trì khả năng đối phó Moscow trên chiến trường.

Tuy vậy, các nước phương Tây đôi khi do dự cung cấp các vũ khí mà Kiev đề nghị vì lo ngại xung đột sẽ leo thang.

Hiện tại, Ukraine đề nghị Mỹ và các đối tác cho phép sử dụng tên lửa tầm xa hơn để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga nhằm giảm các mối đe dọa từ Moscow.

Một số nước NATO đã ủng hộ lời kêu gọi của Kiev nhưng Washington vẫn đang cân nhắc bởi lo ngại Nga đáp trả. Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, Moscow sẽ coi hành động tấn công như vậy là sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc chiến.

Hiện chưa rõ phương Tây cuối cùng có tiếp tục vượt qua "lằn ranh đỏ" này hay không, song xuyên suốt cuộc chiến Nga - Ukraine, họ đã nhiều lần xóa nhòa những lằn ranh đỏ trong chính sách cung cấp vũ khí cho Kiev.

Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS)

Trong suốt cuộc chiến, Ukraine luôn yêu cầu các đồng minh cung cấp cho họ khả năng tấn công sâu hơn vào phòng tuyến của Nga để phá vỡ chuỗi chỉ huy và hậu cần của đối phương.

Mỹ từng trì hoãn việc cung cấp ATACMS vì lo ngại  Nga sẽ coi đây là sự leo thang. Tuy vậy, đến tháng 10/2023, Mỹ đã đồng ý cung cấp một phiên bản với tầm bắn tối đa 165km, tiếp theo đó là phiên bản tầm xa hơn được giao vào đầu năm nay, với tầm bắn 300km

Một quan chức Mỹ nói với Reuters vào thời điểm đó rằng, vũ khí này được sử dụng lần đầu tiên để tấn công vào một căn cứ không quân của Nga ở bán đảo Crimea.

Máy bay F-16

Ukraine đã yêu cầu máy bay chiến đấu F-16 ngay khi cuộc chiến bắt đầu để tăng cường khả năng tấn công tầm xa cũng như bắn hạ tên lửa hành trình của Nga.

Các phi công Ukraine chỉ bắt đầu được huấn luyện trên các máy bay chiến đấu F-16 vào tháng 8/2023. Đến tháng 7 năm nay, Ukraine được tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên.

Xe tăng từ phương Tây

Phương Tây xóa dần những lằn ranh đỏ ở Ukraine - 2

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất (Ảnh minh họa: Creative).

Mặc dù các đồng minh Đông Âu đã cung cấp cho Ukraine xe tăng từ thời Liên Xô, Kiev vẫn yêu cầu các xe tăng do phương Tây chế tạo. 

Thỏa thuận cung cấp xe tăng bị trì hoãn do Đức lo ngại động thái này có thể bị Nga coi là leo thang. Tuy nhiên, việc chuyển giao được chấp thuận sau một cuộc đàm phán kéo dài vào tháng 1/2023. Berlin cuối cùng đã chấp thuận cấp cho Ukraine xe tăng Leopard 2 từ kho dự trữ của các nước khác cũng như của chính họ.

Tấn công vào lãnh thổ Nga

Trong hơn 2 năm, Mỹ không cho phép Ukraine tấn công Nga bằng bất kỳ hệ thống vũ khí nào do họ viện trợ.

Sau cuộc tấn công của Nga vào tháng 5/2024 gần thành phố Kharkov, đông bắc Ukraine, Mỹ mới thay đổi lập trường.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã âm thầm cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự ở biên giới Nga nhằm mục đích phòng vệ.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine