1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây vượt trội Trung Quốc trong cuộc đua vắc xin Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong khi Phương Tây đang đẩy nhanh việc công bố dữ liệu thử nghiệm để phê duyệt sử dụng vắc xin Covid-19, Trung Quốc vẫn chưa có động thái tương tự dù đã tiêm thử nghiệm vắc xin cho 1 triệu người.

Phương Tây vượt trội Trung Quốc trong cuộc đua vắc xin Covid-19 - 1

Trung Quốc khởi đầu khá suôn sẻ với các nghiên cứu về vắc xin Covid-19 nhưng quá trình thử nghiệm đang chậm lại so với phương Tây (Ảnh: Reuters)

Ngày 2/12, Anh đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vắc xin do Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác phát triển, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên sắp tiêm chủng cho người dân.

Các quốc gia phương Tây khác có thể cũng sẽ sớm bắt đầu tiêm chủng diện rộng nếu vắc xin này và vắc xin của Moderna (Mỹ) được thông qua. Mỹ và châu Âu hiện đang xem xét cả 2 loại vắc xin và có thể sẽ sớm phê duyệt sử dụng khẩn cấp các loại này trong những ngày tới.

Dữ liệu do các nhà sản xuất cung cấp cho thấy 2 loại vắc xin có tỉ lệ hiệu quả khoảng 95% trong việc ngăn Covid-19, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu khả năng miễn dịch sẽ kéo dài trong bao lâu.

Trong khi phương Tây đang "sôi động" với cuộc đua vắc xin, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn chưa công bố dữ liệu thử nghiệm các ứng viên vắc xin do họ phát triển, dù trước đó các công ty này đã đạt được nhiều lợi thế trong giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu và Trung Quốc cũng tuyên bố đã tiêm vắc xin cho 1 triệu người. 

Huang Yanzhong, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Mỹ), cho rằng các vắc xin phương Tây thu thập được dữ liệu hiệu quả hơn so với Trung Quốc vì mầm bệnh vẫn đang lây lan mạnh ở Mỹ và châu Âu trong thời gian qua.

 "Thách thức lớn nhất của Trung Quốc là một số quốc gia hợp tác với Trung Quốc trong điều chế vắc xin có số ca ít dần đi so với dự đoán", ông Huang nói, viện dẫn ví dụ về Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). UAE là nơi công ty Sinopharm của Trung Quốc thử nghiệm quy mô lớn vắc xin do họ phát triển.

Ngày 11/11, chỉ 1 ngày sau khi Pfizer-BioNTech công bố dữ liệu về tính hiệu quả của vắc xin, công ty quốc doanh Trung Quốc Sinopharm tuyên bố các thử nghiệm lâm sàng của họ sẽ "sớm hoàn thành" và sẽ có dữ liệu "tốt hơn dự kiến".

Tuần trước, nhà sản xuất Trung Quốc Sinovac nói rằng họ đã thu thập đủ dữ liệu khi thử nghiệm ở Brazil và sẽ công bố kết quả vào tuần này.

Theo giới quan sát, những nghiên cứu trên có ý nghĩa quan trọng trong chính sách "ngoại giao vắc xin" của Trung Quốc. Tháng trước, Indonesia tuyên bố họ sẽ không cấp quyền sử dụng khẩn cấp cho sản phẩm của Sinopharm trong năm nay vì phía nhà sản xuất chưa công bố dữ liệu.

Huang nói rằng khi Trung Quốc khởi động các dự án phát triển vắc xin, họ không giấu giếm tham vọng trở thành người về đích đầu tiên trong cuộc đua phát triển loại thuốc có thể ngăn Covid-19 lây lan rộng hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng các sản phẩm vắc xin ở châu Âu và Mỹ dường như sẽ được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sớm hơn vắc xin của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tiêm phòng cho 1 triệu người

Ngoài ra, Trung Quốc trước đó từng phê duyệt sử dụng khẩn cấp Sinopharm và Sinovac tại nước này ngay cả khi việc thử nghiệm lâm sàng cuối cùng chưa hoàn tất. Hơn 1 triệu người ở Trung Quốc đã được tiêm vắc xin nhưng phía các nhà sản xuất vẫn chưa công bố các dữ liệu thử nghiệm như phương Tây.

Phía Trung Quốc liên tục nói rằng họ không phát hiện bất cứ ca Covid-19 nào trong 1 triệu người được tiêm khẩn cấp vắc xin. Khoảng một nửa trong số những người trên đã ra nước ngoài sau khi được tiêm vắc xin. Trung Quốc coi đây là bằng chứng cho thấy vắc xin của họ phát triển có thể bảo vệ mọi người.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những tuyên bố của Trung Quốc về kết quả của vắc xin với 1 triệu người không thể là một phần của cuộc thử nghiệm. Đó không thể được xem là bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của vắc xin Trung Quốc.

Peter Smith, cố vấn của WHO, nhấn mạnh tổ chức trên muốn xem xét các dữ liệu cụ thể và chi tiết từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng để có thể quyết định xem vắc xin là hiệu quả và an toàn hay không. Những tuyên bố của Trung Quốc về 1 triệu người tiêm vắc xin trước dường như không được xem là có giá trị khoa học nếu họ không có dữ liệu cụ thể để diễn giải.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng kể cả vắc xin Trung Quốc có được phê duyệt sử dụng chậm hơn Phương Tây, thì nhu cầu về vắc xin trong năm sau vẫn rất lớn, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển không có cơ hội tiếp cận với vắc xin của Phương Tây.

Ngoài ra, Tao Lina, nhà nghiên cứu vắc xin ở Thượng Hải, nói rằng Trung Quốc vẫn có lợi thế nhất định trong cuộc đua vì các ứng viên vắc xin của họ sẽ không gặp vấn đề quá lớn khi vận chuyển tới nước ngoài. Trong khi đó, ứng viên vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna đòi hỏi phải được cất trữ ở nhiệt độ -70 và -20 độ C. Chuyên gia Tao cho rằng điều này đặt ra một thách thức lớn cho việc vận chuyển vắc xin của phương Tây ra khắp thế giới.