1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gần 1 triệu người Trung Quốc đã được tiêm vắc xin Covid-19

An Bình

(Dân trí) - Gần 1 triệu người Trung Quốc đã được tiêm vắc xin Covid-19 thử nghiệm do công ty dược Sinopharm phát triển theo chương trình sử dụng khẩn cấp của chính phủ nước này.

Gần 1 triệu người Trung Quốc đã được tiêm vắc xin Covid-19 - 1

(Ảnh minh họa: AFP)

 “Ở góc độ sử dụng khẩn cấp, vắc xin đã được tiêm cho gần 1 triệu người và không xảy ra bất kỳ trường hợp nào bất thường. Người tiêm chỉ có các triệu chứng nhẹ”, Liu Jingzhen, chủ tịch Tập đoàn dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 18/11.

“Cho tới nay, tất cả lộ trình của chúng tôi, từ nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng tới sản xuất và sử dụng khẩn cấp, chúng tôi đều di đầu trên thế giới”, ông Liu nói thêm.

Trung Quốc hiện là một trong hai quốc gia trên thế giới, cùng với Nga, đã sử dụng các ứng viên vắc xin - các vắc xin vẫn được thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính hiệu quả và an toàn - để tiêm cho người dân.

Bên cạnh những người được tiêm vắc xin của Sinopharm, giới chức tại tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, cho biết họ cũng đã tiêm một loại vắc xin Covid-19 do công ty dược tư nhân Sinovac Biotec phát triển cho các nhóm nguy cơ cao tại tỉnh này theo chương trình sử dụng khẩn cấp.

Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu người đã được tiêm, nhưng báo chí quốc tế và địa phương đã đăng tải các hình ảnh cho thấy người dân xếp hàng bên ngoài các trung tâm phòng ngừa dịch bệnh để được tiêm vắc xin.

Trước đó, hồi tháng 9, Sinopharm cho hay hàng trăm nghìn người đã được tiêm vắc xin thử nghiệm.

Đối với việc sử dụng một vắc xin chưa cấp phép, Bắc Kinh cho biết việc sử dụng sản phẩm phải được giới hạn đối với những người có nguy cơ cao, trong đó bao gồm không chỉ các nhân viên y tế tuyến đầu mà còn có các nhân viên giao thông công cộng, nhân viên siêu thị và trường học.

Các công ty dược khắp thế giới chạy đua vì vắc xin

Các công ty dược khắp thế giới đang chạy đua với thời gian trong những tháng qua để cho ra đời các ứng viên vắc xin Covid-19. Ngày 18/11, công ty BioNTech của Đức và Pfizer của Mỹ cho biết vắc xin Covid-19 của họ hiệu quả tới 95% trong các đợt thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, với sự tham gia của hơn 43.000 người.

Hai ngày trước đó, công ty Modera cũng Mỹ cũng công bố các kết quả giai đoạn thử nghiệm số 3 cho thấy vắc xin của họ hiệu quả 94,5%.

Cả hai sản phẩm trên đều đạt hiệu quả cao hơn ngưỡng 50% mà các cơ quan quản lý yêu cầu, vốn sử dụng hiệu quả của việc tiêm phòng cúm làm tham chiếu.

Bộ trưởng Y tế và các dịch vụ con người Mỹ Alex Azar ngày 18/11 cho biết việc phê chuẩn và phân phối các vắc xin của Pfizer và Moderna có thể bắt đầu trong những tuần tới, và Mỹ có thể có tới 40 triệu liều 2 loại vắc xin này vào cuối năm nay.

Francis Collins, giám đốc Các viện y tế quốc gia tại Maryland, nói ông hi vọng một số lượng lớn người dân sẽ được tiêm vắc xin đến tháng 4/2021.

Mặc dù kết quả của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng đối với các vắc xin Covid-19 của Trung Quốc chưa được công bố nhưng ông Liu hồi tuần trước cho biết dữ liệu sẽ sớm có và rằng các kết quả tốt hơn kỳ vọng.

Sau các bước đột phá của các vắc xin trên thế giới, người đứng đầu Trung tâm phòng chống dịch bệnh Trung Quốc Gao Fu đã tìm cách ca ngợi các ứng viên vắc xin của Trung Quốc. “Gần đây, Pfzier và Moderna nói vắc xin của họ hiệu quả, nhưng hãy tin tôi đi, các vắc xin của Trung Quốc cũng rất hiệu quả”.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/11 đã công bố việc có thể ký hợp đồng trong ít ngày tới để mua ít nhất 20 triệu liều vắc xin của Sinovac, bên cạnh việc đang đàm phán với Pfizer.

Nếu thỏa thuận được ký kết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia thứ 2 trên thế giới mua vắc xin của Trung Quốc, sau Brazil.