1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phương Tây vô vọng với lệnh trừng phạt Nga?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia lập luận rằng lệnh áp giá trần dầu Nga của phương Tây đã thành công nhưng cũng như các biện pháp trừng phạt khác, Moscow sẽ dần vượt qua tác động của chúng.

Phương Tây vô vọng với lệnh trừng phạt Nga? - 1

Chuyên gia lập luận rằng lệnh áp giá trần dầu Nga của phương Tây đã thành công trong năm qua nhưng sẽ dần mất hiệu quả (Ảnh: Bloomberg).

Lệnh áp giá trần dầu Nga tiếp tục trở thành chủ đề nóng trong thượng đỉnh Mỹ - EU tại Washington D.C. hôm 20/10. Các cuộc thảo luận xoay quanh tương lai biện pháp này, vốn được đưa ra để áp mức giá tối đa 60 USD với mỗi thùng dầu Nga xuất khẩu sử dụng dịch vụ vận chuyển hoặc bảo hiểm của công ty phương Tây.

Người ủng hộ mức giá trần cho rằng đây là công cụ quan trọng nhằm siết ngân sách của Nga dành cho xung đột ở Ukraine, trong khi người phê bình tin rằng Nga có thể dễ dàng qua mặt biện pháp này.

Trên trang Foreign Policy, Agthe Demaraissenior, chuyên gia chính sách về địa kinh tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho rằng cả 2 luồng ý kiến đều đúng. Bà chỉ ra rằng trong năm qua, biện pháp áp trần giá dầu phần lớn đã làm giảm doanh thu từ hydrocarbon của Nga.

Nhưng nhìn vào lịch sử các lệnh trừng phạt khác trước đó, bà Demaraissenior kết luận rằng Moscow có thể sẽ dần tìm cách vượt qua biện pháp giá trần và vô hiệu hóa nó dần dần.

Không có câu trả lời trắng - đen

Mỹ, EU và các đồng minh có 3 mục tiêu khi áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga, bao gồm: Thể hiện sự đoàn kết; hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga; đồng thời tránh việc cắt giảm nguồn cung sẽ đẩy giá dầu lên cao và gây tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Nếu xét theo 3 mục tiêu này, bà Demaraissenior nói rằng lệnh áp trần giá dầu đã thành công. Về mặt kinh tế, dữ liệu từ Trường Kinh tế Kyiv cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, thu nhập từ xuất khẩu dầu của Nga thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Điều này có thể không phải hoàn toàn do biện pháp áp trần giá dầu nhưng nhìn chung, giá dầu vẫn ở dưới mức năm 2022 trong hầu hết năm 2023, bất chấp việc OPEC cắt giảm sản lượng.

Phương Tây vô vọng với lệnh trừng phạt Nga? - 2

Sau lệnh trừng phạt của G7, Nga đã tích lũy đội tàu chở dầu khổng lồ để lách các biện pháp giới hạn (Ảnh: Bloomberg).

Biện pháp áp trần giá dầu cũng đã tách thị trường dầu mỏ của Nga ra khỏi thị trường toàn cầu, tạo ra sự chênh lệch giữa giá toàn cầu và mức giá Nga có thể thu được. Thay vì bán dầu theo giá giao ngay, Nga hiện phải thương lượng giá trị từng lô hàng, giúp người mua dầu Nga có quyền mặc cả lớn hơn.

Chi phí dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của Moscow cũng cao hơn. Lúc này, công ty bảo hiểm sẽ tính phí cao hơn để bảo lãnh các chuyến hàng dầu của Nga, trong khi những tàu chở dầu Nga phải di chuyển trung bình gấp 3 lần quãng đường trước đây để tiếp cận khách hàng.

Biện pháp áp trần giá dầu đã có hiệu quả trong khoảng một năm qua, nhưng lịch sử các lệnh trừng phạt khác cho thấy rõ rằng Nga sẽ tìm cách vượt qua về lâu dài.

Trong năm qua, Moscow đã mua khoảng 110 tàu chở dầu Aframax để xây dựng đội tàu chở dầu chuyên dụng để khiến phương Tây khó có thể theo dõi tung tích và né trừng phạt. Kết quả là, các công ty thuộc các nước G7 và EU hiện vận chuyển ít hơn 30% lượng dầu Nga.

Nga cũng đã chuyển hướng dòng chảy thương mại từ các nền kinh tế phương Tây sang các nước không tham gia vào lệnh trừng phạt. Lúc này, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - 3 nước không tham gia áp mức giá trần - hiện hấp thụ 80% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga.

Phương Tây vô vọng với lệnh trừng phạt Nga? - 3

Chính phủ Mỹ đã xác định cảng nạp dầu Kozmino của Nga là địa điểm có thể vi phạm lệnh trừng phạt (Ảnh: Getty).

Lệnh trừng phạt là cuộc chạy marathon

Ngoài việc hạ mức giá trần xuống dưới 60 USD, những người ủng hộ biện pháp này hiện đưa ra nhiều đề xuất khắc phục nhưng không có ý tưởng nào trọn vẹn.

Đầu tiên là việc tăng cường công tác đảm bảo thực thi. Về lý thuyết, điều này có vẻ có hiệu quả nhưng rất khó trên thực tế.

Chẳng hạn, phương Tây có thể tăng cường kiểm tra giấy tờ mà công ty trong khối G7 và EU phải cung cấp để thể hiện mình không dính dáng tới những lô dầu Nga được bán trên mức giá trần.

Nhưng biện pháp ấy không giải quyết được 2 vấn đề. Đầu tiên, việc đẩy mạnh công tác chấp hành đòi hỏi thời gian, tiền bạc và nhân lực qua đào tạo, trong khi những yếu tố này đều đang thiếu hụt. Quan trọng hơn, chúng không ngăn được sự phát triển của đội tàu chở dầu Nga.

Một cách khác là "nắm thóp" các tàu chở dầu của Moscow. Kế hoạch này sẽ buộc các tàu đi qua những nút thắt hàng hải của phương Tây, như eo biển Đan Mạch hoặc Vịnh Phần Lan, phải có bảo hiểm trách nhiệm pháp lý về sự cố tràn dầu thích hợp.

Việc này không phải chưa có tiền lệ: Thổ Nhĩ Kỳ từng yêu cầu tàu chở dầu đi qua eo biển Bosporus phải xuất trình loại bảo hiểm nói trên từ một công ty có lượng vốn lớn. Việc kiểm tra giấy tờ cũng dễ dàng và nhanh chóng vì có thể được thực hiện trực tuyến trong vài giây đối với phần lớn đội tàu chở dầu trên toàn cầu.

Giả sử không có công ty uy tín nào chấp nhận bảo hiểm cho tàu Nga, kế hoạch này sẽ là bước lùi ngắn hạn cho Moscow. Nhưng nó cũng không tối ưu vì các nút thắt hàng hải ngoài phương Tây, như kênh đào Suez hay Panama, sẽ không bao giờ tuân thủ. Vì vậy, Nga sẽ vận chuyển dầu nhiều hơn từ các cảng Thái Bình Dương và Bắc Cực của mình, đồng thời tránh xa vùng biển do G7 và EU kiểm soát.

Phương Tây vô vọng với lệnh trừng phạt Nga? - 4

Theo quy định về mức giá trần của G7, công ty phương Tây được phép cung cấp các dịch vụ như vận chuyển hoặc bảo hiểm chỉ khi dầu của Nga được bán với giá dưới 60 USD/thùng (Ảnh: Getty).

Đề xuất mạnh mẽ nhất là trừng phạt các công ty dầu mỏ của Nga và các doanh nghiệp quốc tế giúp né tránh mức giá trần. Cách làm này trên giấy tờ có vẻ sẽ giúp cải thiện hiệu quả của biện pháp áp giá trần nhưng lại không dễ thực hiện.

Ví dụ, khi trừng phạt nhà sản xuất nhôm Rusal của Nga vào năm 2018, Washington cũng đặt ra biện pháp trừng phạt thứ cấp, khiến mọi công ty làm ăn với Rusal cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Để tránh rủi ro, đại đa số công ty kinh doanh hàng hóa từ chối giao dịch với Rusal, khiến giá nhôm tăng 30%.

Tác động lan tỏa của các lệnh trừng phạt Rusal đối với chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu nghiêm trọng đến mức Washington không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dỡ bỏ các biện pháp này.

Việc trừng phạt trực tiếp công ty dầu mỏ Nga sẽ có tác động tương tự, do Nga chiếm khoảng 12% nguồn cung dầu toàn cầu, gần gấp đôi thị phần sản xuất nhôm toàn cầu của Rusal.

Nếu chỉ trừng phạt các công ty giúp Nga né tránh mức giá trần, biện pháp này sẽ không gây ra hậu quả lớn nhưng chỉ đem lại hiệu quả hạn chế. Chỉ cần một công ty bị trừng phạt, công ty khác sẽ thế chỗ.

Lựa chọn lâu dài tốt nhất là các biện pháp ngăn chặn công ty dầu khí Nga tiếp cận công nghệ phương Tây, theo bà Demaraissenior. Nguyên nhân là các mỏ hydrocarbon của Nga đang cạn kiệt và việc phát triển các mỏ mới sẽ đòi hỏi công nghệ phương Tây. Tất nhiên, các biện pháp này sẽ cần có thời gian để phát huy hiệu quả.

"Các biện pháp trừng phạt là một cuộc đua marathon, không phải cuộc chạy nước rút", bà Demaraissenior nói.

Theo Foreign Policy