1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây tìm cách thuyết phục ông Zelensky thỏa hiệp với Nga?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Khi cuộc chiến Nga - Ukraine đã gần tới mốc 1.000 ngày, phương Tây dường như đang thúc đẩy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hướng tới kịch bản khép lại xung đột.

Phương Tây tìm cách thuyết phục ông Zelensky thỏa hiệp với Nga? - 1

Ukraine bị tàn phá nặng nề sau gần 1.000 ngày nổ ra chiến sự (Ảnh: AFP).

Sau gần 3 năm chiến sự nổ ra, các đồng minh của Ukraine đang thúc đẩy ông Zelensky cân nhắc những cách mới để khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán khi phương Tây tìm cách khép lại cuộc chiến.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau, cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến hao người tốn của.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thúc giục ông Putin tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình trong cuộc điện đàm ngày 15/11. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vào ngày 17/11 rằng ông sẽ trao đổi với nhà lãnh đạo Nga vào thời điểm thích hợp.

Hai quan chức châu Âu nói với Bloomberg rằng, ngày càng có nhiều sự nhận định trong khối phương Tây rằng ông Zelensky cuối cùng sẽ phải thỏa hiệp với ông Putin vì họ cho rằng không bên nào có thể giành được chiến thắng quyết định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là thành viên NATO mới nhất tham gia vào nỗ lực thảo luận này.

Ông sẽ trình bày đề xuất của mình về việc đóng băng xung đột khi các nhà lãnh đạo G20 họp tại Rio de Janeiro, Brazil vào ngày 18/11, theo các nguồn thạo tin.

Theo giới quan sát, sự gấp rút của các đồng minh phương Tây đến trong bối cảnh họ dường như muốn đi trước một bước ông Trump, người có thể cắt giảm các khoản viện trợ cho Ukraine và đẩy Kiev vào thế khó khăn hơn.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu Mỹ cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, châu Âu khó có thể bù đắp được khoảng trống do Washington để lại. Thế khó khăn của Ukraine trong những tháng đầu năm nay khi Mỹ giảm mạnh viện trợ do mâu thuẫn nội bộ là bằng chứng rõ ràng nhất.

Ngoài ra, phương Tây cũng nghi ngờ Triều Tiên sẽ tham gia vào cuộc chiến và điều này sẽ mang lại lợi thế lớn hơn cho Nga.

Tuần trước, ông Putin đã nói với ông Scholz rằng ông luôn sẵn sàng đàm phán, nhưng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải tính đến những lo ngại về an ninh và lợi ích lãnh thổ của Nga.

Theo Bloomberg, Điện Kremlin có thể sẽ coi áp lực từ phương Tây ngày càng tăng đối với ông Zelensky là bằng chứng cho thấy chiến lược của Moscow đang hiệu quả trong cuộc chiến tiêu hao.

Vào ngày 17/11, truyền thông Mỹ đưa tin rằng nước này đã quyết định cho phép Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS tầm xa vào lãnh thổ Nga. Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin này.

Theo giới quan sát, ông Biden dường như cho rằng động thái này sẽ giúp củng cố vị thế của Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức trong các cuộc đàm phán tiềm tàng với Nga. 

Mặt khác, ông Zelensky ngày 16/11 tuyên bố ông muốn cuộc chiến khép lại vào năm 2025. Ông đã kêu gọi các đồng minh gửi thêm nhiều vũ khí mạnh hơn để Ukraine có thể chống lại các cuộc tấn công của Nga hiệu quả hơn và gây áp lực buộc ông Putin phải tìm cách đàm phán.

"Đối với chúng tôi, chiến thắng có nghĩa là một Ukraine mạnh mẽ, dù đó là trong ngoại giao hay trên chiến trường", ông nhấn mạnh.

Công thức hòa bình của riêng ông Zelensky kêu gọi nước này có một lộ trình rõ ràng để trở thành thành viên NATO và đảm bảo an ninh cho đến khi trở thành thành viên của liên minh.

Ngược lại, phía Thổ Nhĩ Kỳ dường như sẽ đề xuất rằng ông Zelensky nên đồng ý trì hoãn các cuộc thảo luận về việc gia nhập liên minh trong ít nhất 10 năm như một sự nhượng bộ đối với ông Putin, theo các nguồn tin giấu tên.

Đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ dẫn tới việc thành lập một khu phi quân sự ở vùng Donbass, nơi Nga đang kiểm soát phần lớn.

Ông Erdogan có thể sẽ đề xuất rằng quân đội quốc tế có thể được triển khai ở đó như một sự đảm bảo bổ sung và Ukraine sẽ được đảm bảo về nguồn cung quân sự để bù đắp cho việc đồng ý không tham gia NATO.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận rằng Ukraine sẽ khó chấp nhận đề xuất như vậy, nhưng họ tin rằng đây là cách tiếp cận thực tế nhất.

Ankara sẽ nhắm đến việc gác lại các cuộc thảo luận về số phận lâu dài của các vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập để tập trung vào việc đảm bảo lệnh ngừng bắn ổn định trước tiên.

Ông Erdogan hy vọng có thể thuyết phục được ông Zelensky tham dự các cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul vì có những thông tin tình báo dự đoán Ukraine có thể mất nhiều lãnh thổ hơn nữa trong vài tháng tới nếu giao tranh không dừng lại.

Mặt khác, lợi thế trên tiền tuyến cũng mang lại cho Nga thêm động lực để chiến đấu, theo Bloomberg. Cục diện cuộc chiến tiêu hao rõ ràng đang nghiêng về phía Nga, trong khi các khoản viện trợ của Mỹ và phương Tây cho Ukraine trong tình trạng không hoàn toàn chắc chắn trong tương lai gần.

Theo Bloomberg
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine