Phương Tây “thức tỉnh” vì phụ thuộc vào Trung Quốc về thiết bị y tế
(Dân trí) - Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, phương Tây dường như đã thức tỉnh với việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung thiết bị y tế quan trọng, Bưu điện Hoa nam Buổi sáng nhận định.
Xu hướng “toàn cầu hóa đảo ngược” hay “phân ly” là những thuật ngữ xuất hiện nhiều trên truyền thông thế giới khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang căng thẳng, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm ngoái.
Ban đầu, khi Trung Quốc ban hành các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 lây lan, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị tác động mạnh vì ngành sản xuất toàn cầu phụ thuộc vào nguồn cung sản phẩm trung gian của Trung Quốc.
Sự gián đoạn này đã khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia thiếu linh kiện, thiết bị cần thiết để tiếp tục quá trình sản xuất như bình thường. Tuy nhiên, sự thiếu hụt này nghiêng về vấn đề kinh tế và chưa ảnh hưởng quá nhiều tới địa chính trị hay an ninh quốc gia.
Nhưng chỉ khi đại dịch Covid-19 nổ ra trên khắp toàn cầu, các nhà chính sách và chính trị gia ở Phương Tây phải đối diện với thách thức to lớn liên quan tới vấn đề y tế, an ninh nhà nước và địa chính trị khi họ nhận ra sự phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị y tế Trung Quốc trong cuộc chiến sinh tử chống lại Covid-19.
Hầu hết các nền kinh tế phát triển phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp các đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị xét nghiệm, khẩu trang, thuốc men và nguyên liệu dược phẩm. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, những vấn đề này có thể được xem là lời cảnh tỉnh cho giới chính trị ở Mỹ và châu Âu.
Covid-19 cũng đã “thức tỉnh” sự cần thiết của việc tái khẳng định an ninh quốc gia và chủ quyền nhà nước, dẫn tới những lời kêu gọi các nước phải kiểm soát những lĩnh vực quan trọng như thiết bị y tế. Ví dụ, gần 70 nước đã hạn chế hoặc cấm xuất khẩu thiết bị y tế để chuẩn bị đối phó với dịch.
Covid-19 cũng phơi bày những điểm thiếu sót trong hệ thống toàn cầu. Về mặt kinh tế, các quốc gia đang dần trở nên kết nối và phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên, về mặt chính trị, các chính phủ có những cách điều hành hoàn toàn khác nhau với những mục tiêu riêng rẽ.
Đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục khiến các nhà hoạch định chính sách và chiến lược gia phương Tây thấy rằng không chỉ có rủi ro kinh tế khi họ phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất về nguồn cung các thiết bị quan trọng, mà còn là rủi ro về địa chính trị khi họ phụ thuộc vào một quốc gia được xem là “đối thủ chiến lược” của họ.
Covid-19 chắc chắn sẽ thúc đẩy nỗ lực của các quốc gia phương Tây không chỉ đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu rủi ro kinh tế mà còn đa dạng hóa để giảm thiểu các mối đe dọa về an ninh quốc gia và địa chính trị có thể xuất phát từ Trung Quốc.
Đức Hoàng
Theo SCMP