1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây nỗ lực "giải mã" chiến thuật tác chiến của quân đội Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các diễn biến của chiến sự Nga - Ukraine khác với dự đoán trước đó của các chuyên gia và quan chức phương Tây, khiến nhiều người đặt câu hỏi về chiến thuật của Nga.

Phương Tây nỗ lực giải mã chiến thuật tác chiến của quân đội Nga - 1

Một phương tiện bọc thép bị phá hủy tại Kharkov, Ukraine ngày 28/2 (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tình báo Mỹ đã dự đoán rằng Moscow sẽ nhanh chóng huy động toàn bộ năng lực không quân để áp đảo không phận Ukraine.

Tuy nhiên, 6 ngày trôi qua, kể từ khi Nga khởi động chiến dịch từ ngày 24/2, dù Moscow tuyên bố đã chiếm ưu thế trên toàn bộ không phận Ukraine, một thực tế được quan sát thấy là Nga đã triển khai một cách cẩn trọng không quân của họ tới mức các quan chức Mỹ chưa hiểu được Nga đang tính toán điều gì.

"Họ chưa chấp nhận rủi ro cao có thể xảy ra với máy bay và phi công của họ", một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ phỏng đoán.

Theo các nguồn tin, dù sở hữu năng lực không thể bằng Nga về cả số lượng và hỏa lực, không quân Ukraine vẫn hoạt động và hệ thống phòng không của họ vẫn có thể tác chiến.

Sau đợt nã hỏa lực số lượng lớn vào các mục tiêu quân sự Ukraine hôm 24/2, các chuyên gia phương Tây dự đoán Nga sẽ cố gắng phá hủy không quân và phòng không của Ukraine.  

"Đó sẽ là bước tiếp theo hợp lý và được dự đoán rộng rãi, như đã thấy trong hầu hết các cuộc xung đột quân sự kể từ năm 1938", nhóm nghiên cứu RUSI ở London, Anh nhận định.

Tuy nhiên, tới nay, các tiêm kích Ukraine vẫn thực hiện các cuộc xuất kích tầm thấp, phòng thủ đối không và tấn công mặt đất. Nga vẫn đang bay qua không phận tranh chấp.

Phương Tây nỗ lực giải mã chiến thuật tác chiến của quân đội Nga - 2

Ảnh vệ tinh cho thấy đoàn xe quân sự của Nga hướng về phía thủ đô Kiev, Ukraine ngày 28/2 (Ảnh: Maxar).

Rob Lee, chuyên gia quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Anh) cho biết: "Có nhiều việc Moscow đang làm khiến giới quan sát chưa hiểu". Ông cho rằng, khi bước vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, việc huy động tối đa năng lực quân sự để tạo lợi thế là điều bình thường.

"Vì mỗi ngày qua đi thì chi phí và rủi ro sẽ tăng lên. Vì vậy, việc Nga không triển khai chiến dịch như dự đoán (của chuyên gia và giới chức phương Tây) là động thái khó hiểu", ông Lee nói.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, Nga hiện mới chỉ đang sử dụng 75 máy bay trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, một con số rất nhỏ. Trước đó, các quan chức Mỹ từng dự đoán Nga có khả năng đưa hàng trăm máy bay tới Ukraine làm nhiệm vụ.

Trên thực tế, Nga sở hữu đội máy bay ném bom đông đảo hàng đầu trên thế giới, với khoảng 137 chiếc Tu-22M3 Backfire, Tu-95 Bear, Tu-160 Blackjack. Chúng có thể mang tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất, bom dẫn đường chính xác và bom thường. Các máy bay này cũng có thể phóng tên lửa bên ngoài tầm phòng thủ của phòng không đối phương.

Điều ngạc nhiên hơn cả, theo chuyên gia Justin Bronk của RUSI, hơn 300 máy bay chiến đấu tấn công hiện đại của Nga như Su-30, Su-34, Su-35 hiện vẫn đậu dưới mặt đất và chưa tham gia nhiệm vụ. Chúng hiện vẫn đang ở gần biên giới Ukraine, nhưng Nga dường như vẫn chưa dốc toàn bộ năng lực của không quân cho chiến dịch lần này.

Chuyên gia quân sự Brent M. Eastwood nhận định rằng, Nga dường như không muốn kích hoạt một chiến dịch ném bom trên không quy mô lớn vào giai đoạn đầu của chiến sự có thể vì lo ngại động thái này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho dân thường - điều mà Moscow luôn muốn tránh gây ra trong suốt chiến dịch. 

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine