1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phương Tây muốn lập liên minh "NATO thương mại" đối phó Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Đề xuất về việc thành lập một liên minh "NATO thương mại" nhằm đối phó Trung Quốc đã cho thấy sự căng thẳng và đối đầu ngày càng gia tăng giữa phương Tây và Bắc Kinh.

Phương Tây muốn lập liên minh NATO thương mại đối phó Trung Quốc - 1

Tại thượng đỉnh hồi tháng 6 này, NATO đã lần đầu tiên gọi Trung Quốc là "thách thức hệ thống" (Ảnh: AP).

Các chính trị gia người Anh có quan điểm cứng rắn và một nhóm vận động hành lang công nghiệp của Mỹ đã kêu gọi các đồng minh phương Tây lập nhóm "NATO thương mại" để đối phó với một Trung Quốc đã "vũ khí hóa các công cụ chính sách thương mại nhằm trừng phạt bất kỳ quốc gia nào không theo ý Bắc Kinh".

Theo đề xuất này, các nước phương Tây có thể lập một liên minh thương mại theo kiểu hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được lập ra để đối phó Liên Xô vào năm 1949. Theo quy tắc của NATO, khi bất kỳ thành viên nào bị tấn công, tất cả các thành viên khác sẽ hành động bảo vệ ngay tức thì.

Tương tự, những người ủng hộ đề xuất lập "NATO thương mại" cho rằng, đây là tổ chức cần thiết để giúp các nước thành viên đáp trả các biện pháp cưỡng chế thương mại của Trung Quốc.

Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc tại Anh và Quỹ đổi mới và công nghệ thông tin tại Mỹ đã đưa ra đề xuất trên. Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc gồm những nhân vật có quan điểm rất cứng rắn của đảng Bảo thủ của Anh tại quốc hội, trong khi Quỹ đổi mới và công nghệ thông tin là một tổ chức tư vấn về chính sách khoa học và công nghệ có liên hệ với chính phủ Mỹ và các công ty công nghệ lớn.

Trong báo cáo đề xuất, họ cũng đưa ra dẫn chứng cách thức hoạt động của liên minh đề xuất. Chẳng hạn như nếu Bắc Kinh đe dọa rút sinh viên khỏi một quốc gia vốn có nguồn thu dựa vào du học sinh Trung Quốc, các quốc gia khác sẽ đáp trả ngay lập tức bằng lệnh cấm sinh viên Trung Quốc. Hoặc nếu Bắc Kinh đe dọa đưa các công ty của một quốc gia trong liên minh vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy", liên minh sẽ đáp trả bằng lệnh hạn chế nhập khẩu từ các công ty Trung Quốc.

Nhiều hoài nghi

Đề xuất trên hiện chưa nhận được bất kỳ sự ủng hộ chính thức nào từ các nước, còn chính phủ Anh từ chối bình luận. Nhưng nó cho thấy chiến lược thúc đẩy lập trường mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh của các nghị sĩ có quan điểm cứng rắn ở Anh, những người có vai trò trong việc định hình chính sách Trung Quốc của quốc hội Anh.

Đề xuất trên được xem là sự phản ứng đối với sự quyết liệt ngày càng tăng của Trung Quốc trong vấn đề thương mại, và việc phương Tây không thể tìm được tiếng nói chung trong kế hoạch đối phó với nước này.

Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc gây chú ý trong 18 tháng qua khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tâm lý chống Trung Quốc gia tăng. Australia hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những hành động trả đũa thương mại của Trung Quốc sau khi Canberra kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch. Bắc Kinh cắt giảm nhập khẩu số lượng lớn các sản phẩm của Australia, từ rượu vang, than đá đến gỗ và lúa mạch.

Nhiều nhóm đa phương khác như NATO và G7 cũng có những lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã cáo buộc cả hai tổ chức này can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Stephen Olson, nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Mỹ, cho rằng đề xuất và thảo luận việc lập liên minh "NATO thương mại" cho thấy các đối tác của Trung Quốc đang ngày càng dè dặt hơn trong mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh và xem liệu mối quan hệ này có thể cùng có lợi hay không. Ông Olson cho rằng, chính các chính sách thương mại của Trung Quốc đã đẩy các đối tác quan trọng đến mức phải bàn đến đề xuất như thế này. 

Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và là cố vấn của Quốc vụ viện Shi Yinhong nhận định, bất kỳ kế hoạch xây dựng liên minh nào chống lại Bắc Kinh đều "sẽ không tốt cho Trung Quốc", ngay cả khi chi tiết về các đề xuất như vậy vẫn còn mơ hồ.

Theo ông Shi, điều bất lợi hiện nay đối với Trung Quốc là về nguyên tắc, các nước NATO nói chung nhấn mạnh họ không thể phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nếu không có thể sẽ rơi vào tình cảnh như Australia và Canada hiện nay.

Nhưng nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về một liên minh như thế này, nhất là trong bối cảnh lợi ích thương mại của các nước đang bị đe dọa khiến các nước rất khó để có được tiếng nói chung.

Trên thực tế, theo ông Bryan Mercurio, giáo sư luật thương mại tại Đại học Hong Kong, khi Bắc Kinh áp thuế cao nhằm vào lúa mạch của Australia vào năm ngoái, các nhà xuất khẩu Mỹ đã nhanh chóng tận dụng cơ hội thế chỗ.

"Trong các vấn đề thương mại, lợi ích kinh tế thật sự gây nhiều ảnh hưởng. Tôi nghĩ rằng các ranh giới sẽ bị phá vỡ khi lợi ích thương mại đang diễn ra", chuyên gia Mercurio nhấn mạnh.