1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lần đầu tiên trong lịch sử NATO coi Trung Quốc là "thách thức hệ thống"

Minh Phương

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong 72 năm, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) coi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống" và tuyên bố kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Lần đầu tiên trong lịch sử NATO coi Trung Quốc là thách thức hệ thống - 1

Lãnh đạo NATO chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị ở Brussels, Bỉ hôm 14/6 (Ảnh: EPA).

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc trở thành chủ đề chính được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo 30 quốc gia thành viên NATO diễn ra ngày 14/6 tại Brussels, Bỉ.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các nước đã ra tuyên bố chung nêu rõ: "Các tham vọng và hành động hung hăng của Trung Quốc cho thấy những thách thức mang tính hệ thống đến trật tự thế giới dựa trên luật pháp và các khía cạnh liên quan đến an ninh của liên minh".

Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi quan ngại với các chính sách cưỡng bức (của Trung Quốc) đi ngược lại với các giá trị cơ bản trong hiệp ước Washington".

Lần đầu tiên trong lịch sử NATO coi Trung Quốc là thách thức hệ thống - 2

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AFP).

Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, liên minh quân sự này quan ngại với việc Trung Quốc "mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân, với nhiều đầu đạn hơn và một lượng lớn hệ thống vũ khí tinh vi", cũng như quan ngại hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga.

"Các lãnh đạo NATO kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các cam kết quốc tế, hành động có trách nhiệm trong các lĩnh vực như vũ trụ, an ninh mạng, an ninh hàng hải với vai trò một nước lớn", ông Stoltenberg nói.

Tuyên bố chung gồm 79 điểm của NATO có 3 đoạn và 10 lần đề cập đến Trung Quốc. Trong tuyên bố sau hội nghị năm 2019, NATO thừa nhận tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng và các chính sách quốc tế của Bắc Kinh vừa mang lại cơ hội, vừa kéo theo thách thức.

Ông Stoltenberg bác bỏ quan điểm cho rằng các cường quốc phương Tây và Trung Quốc đang bước vào một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới". Tuy vậy, ông khẳng định: "Trung Quốc không phải là đối thủ, không phải là kẻ thù. Nhưng chúng ta cần cùng nhau giải quyết những thách thức an ninh xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc tiến gần hơn đến chúng ta. Chúng ta nhìn thấy họ trong không gian mạng, thấy Trung Quốc ở châu Phi, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chính chúng ta".

Ngoài Trung Quốc, tuyên bố chung của NATO cũng đề cập đến Nga khi lãnh đạo liên minh này bày tỏ quan ngại về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần Ukraine và cáo buộc Moscow đứng sau các vụ tấn công mạng nhằm vào các nước phương Tây. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đối phó với môi trường an ninh ngày càng xấu đi bằng cách tăng cường năng lực phòng vệ và răn đe".

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ là chặng dừng thứ hai của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu. Tại hội nghị Tổng thống Biden nói, bảo vệ châu Âu là nghĩa vụ thiêng liêng của Mỹ. "Tôi muốn tất cả châu Âu biết rằng Mỹ đang ở đây. NATO có ý nghĩa quan trọng với chúng tôi", ông Biden tuyên bố.