Phương Tây hối thúc Ukraine xem xét kế hoạch B trong xung đột với Nga
(Dân trí) - Phương Tây được cho là đang hối thúc Ukraine theo đuổi các mục tiêu thực tế hơn trong cuộc xung đột với Nga thay vì mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ trước khi đàm phán.
Kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine năm 2022, giới lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh phải đẩy lùi quân đội Nga khỏi lãnh thổ trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.
Theo các nhà ngoại giao châu Âu, hiện nay, với việc Nga tiếp tục giành được những thắng lợi chậm chạp trên chiến trường và sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine có dấu hiệu chững lại, Kiev có thể cần phải đưa ra một kế hoạch thực tế hơn, ít nhất là cho năm tiếp theo của cuộc chiến.
Phương Tây vẫn ủng hộ mục tiêu lâu dài của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Ukraine cần thực tế hơn trong các mục tiêu và chiến lược thời chiến. Điều đó có thể giúp các quan chức phương Tây vận động cử tri của họ về nhu cầu cung cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy tới Ukraine hôm 11/9 được cho là một phần để thảo luận cách định nghĩa chiến thắng phù hợp nhất cho Ukraine và Kiev cần những viện trợ nào để đạt mục tiêu đó.
Theo các quan chức châu Âu, một chiến thắng hoàn toàn của Ukraine sẽ đòi hỏi viện trợ lên tới hàng trăm tỷ USD, điều mà cả Washington và châu Âu đều khó có thể đáp ứng.
Tại Washington, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken tới Kiev không phải nhằm ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.
"Kịch bản nhiều khả năng nhất là cuộc xung đột được giải quyết thông qua đàm phán, nhưng khi nào và trong điều kiện nào thì sẽ phụ thuộc vào Tổng thống Zelensky", ông Kirby nói.
Một số đồng minh thân cận nhất của Ukraine, như Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis, từng cảnh báo quyết tâm của phương Tây trong việc giúp Ukraine giành lại lãnh thổ đang bị lung lay.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà ngoại giao phương Tây cho biết, chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Anh Lammy không phải nhằm ép buộc Ukraine đàm phán, mà để định hình lại chiến lược một cách thực tế hơn.
Đề xuất hòa bình mới của Tổng thống Zelensky dường như cũng phản ánh sự điều chỉnh này. Thay vì chỉ tập trung vào việc giành lại toàn bộ lãnh thổ trước khi đàm phán, Ukraine đã xem xét các cuộc đàm phán với Nga về hạn chế tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.
Đề xuất được đưa ra ở thời điểm nhạy cảm khi các gói viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine đang giảm dần trong khi Nga tiếp tục đạt được những bước tiến trên khắp mặt trận, Ukraine mắc kẹt với chiến dịch đột kích vùng biên giới Kursk.
Eric Green, một học giả tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định mặc dù cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk được Kiev coi là bước ngoặt chiến lược, nhưng phương Tây đang ngày càng lo ngại điều đó có thể làm suy giảm khả năng tự vệ của Kiev về lâu dài.
Kiev hy vọng cuộc đột kích có thể buộc Nga rút bớt lực lượng khỏi chiến trường Ukraine, song thực tế Nga tiếp tục cường độ tấn công miền đông Ukraine và bắt đầu phản công ở Kursk.
Theo ông Green, cuộc đột kích có ý nghĩa nâng cao tinh thần của lực lượng Ukraine bởi nó cho thấy Ukraine vẫn có thể chiến đấu và gây bất ngờ cho Nga. Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây lo ngại Ukraine sẽ phải hối tiếc vì quyết định này sau 6-8 tuần nữa.