1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phương Tây đồng loạt tuyên bố cấp xe tăng cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Sau Đức, Mỹ và một số quốc gia châu Âu đồng loạt thông báo sẽ cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraine. Nga cảnh báo động thái này sẽ khiến xung đột ở Ukraine leo lên nấc mới.

Phương Tây đồng loạt tuyên bố cấp xe tăng cho Ukraine - 1

Phương Tây đồng loạt thông báo viện trợ xe tăng cho Ukraine (Ảnh minh họa: AFP).

Mỹ cấp 31 xe tăng cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/1 phê chuẩn viện trợ 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Phát biểu từ Nhà Trắng, ông Biden nói rằng, những xe tăng "uy lực nhất thế giới" này sẽ "giúp Ukraine tăng cường năng lực bảo vệ lãnh thổ và đạt được các mục tiêu chiến lược" cả trong tương lai gần và xa.

Chủ nhân Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: "Đây  không phải mối đe dọa tấn công nhằm vào Nga. Không có bất cứ mối đe dọa nào nếu Nga rút quân về lãnh thổ của họ".

Cùng ngày, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby lý giải, quyết định gửi xe tăng M1 Abrams cho Ukraine là do tình hình xung đột thực địa ở Ukraine thay đổi.

"Kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu cách đây 11 tháng, chúng tôi đã và đang phát triển các khả năng mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine, tùy vào tình hình thực địa", ông Kirby nói.

Ông cho biết thêm, Washington sẽ không chuyển toàn bộ 31 xe tăng cho Ukraine cùng lúc, mà cung cấp dần trong nhiều tháng. Hoạt động huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành xe tăng cũng sẽ sớm được triển khai.

Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz chính thức công bố nước này sẽ viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine. Trong thông cáo phát đi ngày 25/1, Thủ tướng Scholz khẳng định, quyết định đó "phù hợp với chính sách của Đức là hỗ trợ cho Ukraine với tất cả năng lực của mình và Đức sẽ hành động với sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh".

Người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Seibert cho hay, mục tiêu ban đầu của Đức là thành lập 2 tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Tiểu đoàn đầu tiên gồm 14 xe tăng Leopard 2 A6 sẽ do quân đội Đức cung cấp từ kho dự trữ vũ khí của Đức, phần còn lại do các nước châu Âu khác viện trợ. Ngoài ra, quân đội Đức cũng sẽ ngay lập tức hỗ trợ đào tạo binh sĩ Ukraine, bảo đảm việc vận chuyển, đạn dược cũng như bảo dưỡng các xe tăng này.

Phương Tây thay đổi quan điểm

Tuyên bố viện trợ trên cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Mỹ và Đức. Trước đó, hai nước này do dự, từ chối cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine với lý do chi phí đắt đỏ, khó bảo dưỡng và có nguy cơ khiến xung đột leo thang.

Đến nay, ngoài Đức, Mỹ, một số nước châu Âu đã tuyên bố sẵn sàng gửi xe tăng chiến đấu cho Kiev, trong đó có Ba Lan, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Joao Gomes Cravinho cho biết sẽ mất khoảng 2-3 tháng để các xe tăng Leopard do phương Tây viện trợ vận hành hoàn thiện ở Ukraine.

Giới chức Ukraine nói rằng, họ cần khoảng 300-400 xe tăng để có thể ngăn cản đà tiến công của Nga, nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 11 tháng qua. Ngoài ra, khí tài họ cần lúc này là máy bay chiến đấu và các hệ thống phòng không hiện đại.

Nga cảnh báo, động thái của phương Tây viện trợ xe tăng cho Ukraine là hành động "nguy hiểm" và có thể "đẩy xung đột lên một nấc mới". Moscow cũng tuyên bố sẽ phá hủy xe tăng và tất cả khí tài phương Tây chuyển đến Ukraine.

Theo Reuters, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm