Phương Tây có thể đưa ra bảo đảm an ninh nào cho Ukraine?
(Dân trí) - Gần 20 quốc gia đã đồng ý tham gia đàm phán đưa ra các cam kết an ninh dành cho Ukraine trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine kéo dài.
Lãnh đạo nhóm G7 đã đưa ra tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng trước ở Lithuania liên quan tới các cam kết an ninh trong tương lai cho Ukraine. Tuyên bố này thậm chí được mở rộng ra ngoài nhóm G7, với 12 quốc gia khác đã đồng ý tham gia.
Tuy nhiên, họ vẫn còn phải trải qua quá trình đàm phán các cam kết, trong đó, việc đàm phán với Mỹ đã bắt đầu từ ngày 3/8.
Có ý kiến cho rằng các cam kết an ninh tiềm năng với Ukraine vẫn sẽ chỉ là thỏa thuận mang tính chính trị. Tuyên bố đảm bảo an ninh cho Ukraine khác với các mối quan hệ an ninh tương tự mà Mỹ đã thiết lập với Israel.
Ukraine đã yêu cầu các đồng minh chung tay đảm bảo an ninh lâu dài và ràng buộc về mặt pháp lý cho họ kể từ năm ngoái. Vào tháng 9/2022, các đề xuất của Ukraine đã được phác thảo trong tài liệu "Hiệp ước An ninh Kiev". Tuyên bố mới đây của G7 thể hiện bước đầu tiên hướng tới đáp ứng mong đợi này của Ukraine.
Cam kết an ninh được đề cập trong tuyên bố chung của G7 khác với điều khoản của các thỏa thuận phòng thủ chung, có thể liên quan đến việc sử dụng lực lượng vũ trang của đồng minh, một nội dung được biết đến nhiều nhất trong Hiệp ước NATO.
Thay vào đó, tuyên bố của G7 nêu rằng Ukraine và các đối tác an ninh của họ sẽ đồng ý với các cam kết và thỏa thuận dài hạn song phương cụ thể, nhằm giúp Kiev tăng cường khả năng tự vệ trong nhiều năm tới.
Những cam kết này có thể bao gồm cung cấp vũ khí tiên tiến, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ kinh tế thông qua các nỗ lực tái thiết và phục hồi.
Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn phù hợp với những gì Ukraine yêu cầu trong "Hiệp ước An ninh Kiev".
Tuyên bố chung của G7 xuất hiện nhiều cụm từ chung chung, ám chỉ sẽ bắt đầu các vòng đàm phán.
Kết quả của các cuộc đàm phán với mỗi quốc gia hiện chưa rõ ràng. Hơn nữa, tuyên bố đã không được ký kết và vẫn chỉ ở mức là một tuyên bố chính trị của các nhà lãnh đạo G7. Điều này cho thấy một số nhà lãnh đạo có thể muốn giới hạn số lượng cũng như sức mạnh của các cam kết trong giai đoạn này.
Tuyên bố chung thậm chí còn không sử dụng từ "bảo lãnh" mà Ukraine vẫn sử dụng.
Trước đây, từng có ý kiến cho rằng mô hình hợp tác an ninh giữa Mỹ và Israel có thể làm ví dụ cho các thỏa thuận an ninh của họ với Ukraine.
Trong trường hợp của Israel, Mỹ đưa ra tuyên bố cam kết vững chắc, nhằm duy trì cái gọi là ưu thế quân sự chất lượng của Israel so với các quân đội láng giềng. Nói cách khác, Mỹ cam kết duy trì ưu thế về công nghệ và chiến thuật cho Israel để ngăn chặn, nếu cần là để đánh bại những kẻ thù có nguồn lực vượt trội so với họ.
Để đạt được điều này, Israel phải trang bị và đào tạo tốt hơn cho quân đội của họ, nhằm bù đắp cho việc lãnh thổ và dân số của họ ít hơn hầu hết đối thủ tiềm ẩn.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng môi trường an ninh của Israel khác với Ukraine. Các đối thủ tiềm ẩn của Israel không sở hữu vũ khí hạt nhân, không giống Nga.
Ukraine muốn chính thức hóa các cam kết an ninh cần thiết dưới hình thức một hiệp ước, ràng buộc về mặt pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Phương án đầu tiên là khiến quốc hội các nước đồng minh phê chuẩn thỏa thuận an ninh trong tương lai đối với Ukraine, và chúng sẽ trở thành một phần của luật pháp nội bộ của các quốc gia đồng minh đó.
Phương án thứ hai, ít được ưa chuộng hơn, sẽ liên quan đến sự tham gia của quốc hội. Theo đó, quốc hội các nước có thể thông qua một thỏa thuận tương tự như bản ghi nhớ giữa Mỹ và Israel và luật hóa cách họ hỗ trợ Ukraine, như quốc hội Mỹ đã làm đối với Israel.