1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phép thử đối ngoại khó khăn đầu tiên của Tổng thống Biden

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Cuộc chính biến tại Myanmar được xem là một thử thách lớn đối với chính quyền Mỹ Biden và những nỗ lực nhằm xây dựng một liên minh mạnh mẽ ở châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.

Phép thử đối ngoại khó khăn đầu tiên của Tổng thống Biden - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP)

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, cùng một số quan chức thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền đã bị quân đội Myanmar bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng 1/2 với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái. Quân đội đã giao quyền cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing tạm thời điều hành đất nước trong vòng 1 năm.

Liên Hợp Quốc ngày 4/2 đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về cuộc đảo chính, kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ và khôi phục nền dân chủ, động thái tương tự với hầu hết chính giới Australia, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ... 

Giới quan sát đặc biệt quan tâm tới phản ứng của Mỹ đối với các diễn biến bất ổn tại Myanmar. Cuộc đảo chính đang đặt ra phép thử về quyết tâm ủng hộ dân chủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden và đẩy ông vào thế ít có sự lựa chọn.

Mỹ bị áp lực phải cứng rắn

Theo Digital Journal, trong một tuyên bố ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo sẽ trừng phạt quân đội Myanmar vì "tước đoạt quyền lực" từ chính phủ dân sự. Ông khẳng định: "Mỹ sẽ đứng lên ủng hộ dân chủ ở bất cứ nơi nào bị tấn công", kêu gọi yêu cầu quân đội Myanmar ngay lập tức từ bỏ quyền lực mà họ vừa chiếm giữ.

"Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình trên khắp thế giới để hỗ trợ khôi phục nền dân chủ và pháp quyền, cũng như quy trách nhiệm cho những người liên đới trong việc đảo lộn quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar", Tổng thống Mỹ nói.

"Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar trong thập kỷ qua, dựa trên sự tiến bộ về dân chủ. Việc đảo ngược quá trình này sẽ đòi hỏi phải xem xét ngay lập tức các biện pháp trừng phạt bằng các hành động thích hợp", ông Biden nói thêm.

Ông Biden cũng kêu gọi "cộng đồng quốc tế" chung một tiếng nói thúc giục quân đội Myanmar từ bỏ ngay quyền lực mà họ đang nắm giữ, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức mà họ đã giam giữ, dỡ bỏ mọi hạn chế viễn thông…

Nhiều nghị sĩ đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Biden quyết đoán trước tình hình ở Myanmar. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, yêu cầu một phản ứng cứng rắn của chính phủ. Ông McConnell nhấn mạnh: "Chính quyền Biden phải có lập trường mạnh mẽ. Các đối tác của Mỹ cũng như tất cả các nền dân chủ trên thế giới nên cùng lên tiếng cuộc tấn công vào nền dân chủ ở Myanmar".

Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã cáo buộc quân đội Myanmar phạm tội "diệt chủng" với người Rohingya. Ông kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác "áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn, cũng như các biện pháp khác" đối với quân đội Myanmar và giới lãnh đạo quân sự nếu họ không trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân cử.

Không nhiều lựa chọn

Các chuyên gia cho rằng, chính quyền ông Biden có thể áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với Myanmar sau vụ chính biến, như cắt viện trợ, trừng phạt tướng lĩnh cấp cao. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã trừng phạt 4 quan chức cao cấp trong quân đội Myanmar, bao gồm cả Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.

Ông Biden có thể trừng phạt Myanmar bằng cách đóng băng tài sản của các công ty lớn nước này do quân đội điều hành. Các tập đoàn này hoạt động trên nhiều lĩnh vực như ngân hàng, đá quý, viễn thông, may mặc.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ông Biden không có nhiều lựa chọn trong việc trừng phạt Myanmar.

Theo các nhà phân tích, cuộc chính biến ở Myanmar là một thử thách lớn đối với chính quyền Biden và những nỗ lực của họ trong việc xây dựng một liên minh mạnh mẽ ở châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.

Nhiều người trong nhóm hoạch định chính sách châu Á của ông Biden, bao gồm người đứng đầu Kurt Campbell, từng là quan chức dưới thời Obama. Nhóm này, vào cuối nhiệm kì của ông Obama, đã ca ngợi việc việc chấm dứt nhiều thập kỷ cai trị của quân đội ở Myanmar như một thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng.

Chính quyền của Tổng thống Biden, mặc dù cũng phản ứng theo lập trường khôi phục quá trình dân chủ ở Myanmar nhưng lời lẽ và động thái được cho là chưa đủ mạnh, bởi trong chính sách đối ngoại của mình, ông Biden đã có sự điều chỉnh theo hướng ít gay gắt hơn với Bắc Kinh.

Trong khi đó, Trung Quốc không có động thái chỉ trích quân đội Myanmar, mà chỉ ghi nhận các sự kiện và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng hiến pháp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 1/2 nói: "Chúng tôi đang tìm hiểu thêm tình hình. Trung Quốc là một nước láng giềng hữu nghị của Myanmar và hy vọng các bên ở Myanmar sẽ giải quyết khác biệt một cách phù hợp trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật để bảo vệ ổn định chính trị và xã hội".

Myanmar có chung đường biên giới với Trung Quốc và là nhân tố quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" mà Trung Quốc đang theo đuổi, bao gồm cả một tuyến đường sắt cao tốc từ tỉnh Vân Nam đến bờ biển phía tây của Myanmar.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Myanmar, sau Singapore. Myanmar cũng là chặng đầu tiên trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, nhằm thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng trước khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức.

Trong cuộc gặp ngày 12/1 năm nay tại Nay Pyi Taw, ông Vương Nghị nói với Tổng tư lệnh Myanmar Min Aung Hlaing rằng: "Trung Quốc đánh giá cao việc quân đội Myanmar gìn giữ sứ mệnh làm hồi sinh quốc gia, và có tầm nhìn về tương lai lâu dài, sự phát triển của đất nước". Vì thế, việc Trung Quốc chỉ theo dõi tình hình Myanmar phải chăng cũng làm cho chính quyền Biden thêm "khó xử"?