1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính

Thành Đạt

(Dân trí) - Người dân Myanmar đã xuống đường biểu tình và gõ xoong nồi phản đối cuộc đảo chính quân sự xảy ra hồi đầu tháng.

Biểu tình phản đối đảo chính tại Myanmar
Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính - 1

Người biểu tình phản đối đảo chính bên ngoài Đại học Y Mandalay ngày 4/2. (Ảnh: Reuters)

Hàng chục người Myanmar ngày 4/2 đã tập trung bên ngoài Đại học y Mandalay ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, để biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội Myanmar.

Theo Reuters, đây là cuộc biểu tình phản đối đảo chính trên đường phố đầu tiên tại Myanmar kể từ sau ngày diễn ra cuộc chính biến ở nước này hôm 1/2.

Người biểu tình giơ cao biểu ngữ "Người dân phản đối quân đội đảo chính". "Hãy thả các lãnh đạo bị bắt của chúng tôi ngay lập tức", đám đông biểu tình nói.

Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính - 2

Khẩu hiệu "Người dân phản đối quân đội đảo chính" của người biểu tình bên ngoài Đại học Y Mandalay. (Ảnh: Reuters)

Quân đội Myanmar sáng 1/2 đã bắt giữ các lãnh đạo của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, để ứng phó với cáo buộc gian lận bầu cử.

Nhiều xe bọc thép và binh sĩ đã được triển khai tại thủ đô Naypyitaw và các thành phố lớn ở Myanmar sau cuộc đảo chính. Tuy nhiên, quân đội bắt đầu nới lỏng hạn chế từ ngày 3/2.

Quân đội Myanmar tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp tại nước này trong một năm. Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tạm thời nắm quyền điều hành đất nước.

Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính - 3

Người dân ở một khu chung cư ở Yangon tập trung gõ xoong nồi vào các buổi tối để phản đối đảo chính. (Ảnh: Reuters)

Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, người dân bắt đầu hạn chế xuống đường biểu tình do lo ngại sự xuất hiện của lực lượng binh lính, sự an toàn của Cố vấn Nhà nước Suu Kyi và đại dịch Covid-19.

Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính

Thay vì đối với mặt họng súng và xe tăng của quân đội, người dân ở Yangon quyết định biểu tình bằng cách tham gia phong trào "Bất tuân Dân sự". Phong trào này diễn ra trong bối cảnh quân đội đã ban hành lệnh "sẵn sàng nổ súng" sau 12 giờ đêm.

Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính - 4

Người dân gõ nồi niêu xoong chảo phản đối đảo chính ở thành phố Yangon. (Ảnh: Reuters)

Nhiều người dân Yangon đã đợi đến khi đồng hồ điểm 8 giờ tối để bắt đầu gây tiếng ồn. Hình thức biểu tình này bắt nguồn tập tục trừ tà lâu đời tại Myanmar.

Người dân đã sử dụng nhiều hình thức để phản đối cuộc đảo chính như bấm còi xe, gõ nồi niêu xoong chảo hay gõ trống.

Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính - 5

Bất kỳ vật dụng nào cũng có thể được người dân ở Yangon sử dụng để tạo tiếng ồn. (Ảnh: Reuters)

"Gõ trống trong văn hóa Myanmar giống như chúng tôi đang xua đuổi ma quỷ", một người Myanmar cho biết.

Một số nhóm ủng hộ dân chủ cũng kêu gọi người dân ở Yangon tạo tiếng ồn bằng cách gõ xoong nồi để phản đối đảo chính.

Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính - 6

Bất kỳ vật dụng nào cũng có thể được người dân ở Yangon sử dụng để tạo tiếng ồn. (Ảnh: Reuters)

Người dân gõ xoong nồi cả trong nhà và trên đường phố trong khoảng 15-30 phút vào mỗi buổi tối. Những người lái xe ô tô cũng bấm còi inh ỏi trên đường để phản đối đảo chính.

Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính - 7

Một quầy bán thịt tại Yangon tham gia phong trào phản đối đảo chính. (Ảnh: Reuters)

"Chúng tôi thường gõ như vậy để đuổi ma quỷ ra khỏi làng hoặc ra khỏi nhà của chúng tôi. Mọi người đang sử dụng cách này để đuổi quân đội ra khỏi (lãnh đạo) đất nước", nhà hoạt động Thinzar Shunlei Yi, người đứng sau phong trào "Bất tuân Dân sự" phản đối đảo chính, cho biết.

Người Myanmar gõ xoong nồi phản đối đảo chính - 8

Tài xế cũng gõ để phản đối đảo chính ở Yangon. (Ảnh: Reuters)

Các tướng lĩnh của Myanmar đã ra lệnh cho các nhà cung cấp Internet hạn chế truy cập vào mạng xã hội Facebook từ ngày 4/2. Các ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin khác như Instagram hay WhatsApp cũng bị gián đoạn hoạt động. Động thái này diễn ra trong bối cảnh người dân Myanmar đổ xô lên mạng xã hội để lên tiếng phản đối và chia sẻ kế hoạch phản đối đảo chính.

Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã lên án cuộc đảo chính, hối thúc quân đội Myanmar sớm trả lại quyền lực cho chính phủ dân sự. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/2 cũng kêu gọi tướng lĩnh Myanmar từ bỏ quyền lực và thả các lãnh đạo dân sự bị giam giữ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm