Mỹ tính tiếp tục trừng phạt Myanmar hậu đảo chính
(Dân trí) - Nhà Trắng cho biết giải quyết khủng hoảng tại Myanmar là ưu tiên của Mỹ và Washington tiếp tục cân nhắc các biện pháp trừng phạt.
"Tôi chưa có khung thời gian chính xác, nhưng đó là vấn đề ưu tiên. Chắc chắn các lệnh trừng phạt của chúng tôi sẽ được xem xét", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/2.
Ngay sau khi quân đội Myanmar tuyên bố bắt giữ các quan chức cấp cao của chính quyền dân sự, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, đồng thời tạm tiếp quản điều hành đất nước hôm 1/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra thông cáo lên án hành động này là "sự tấn công vào nền dân chủ", và kêu gọi giới quân sự Myanmar lập tức trả tự do cho các nhà chính trị.
Tổng thống Biden cũng cho biết, chính quyền của ông sẽ lập tức xem xét lại các lệnh trừng phạt Myanmar và có hành động thích hợp. Trước đó, quân đội Myanmar đã bị Mỹ trừng phạt vì cáo buộc chống lại người thiểu số Rohingya.
Trong thông báo ngày 2/2, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington xác định quân đội Myanmar đã tiến hành đảo chính, yêu cầu chấm dứt viện trợ đối với chính phủ Myanamar. Năm 2020, Mỹ đã viện trợ tổng cộng hơn 606 triệu USD cho quốc gia này.
Cuộc đảo chính đánh dấu lần đầu tiên quân đội trở lại điều hành Myanmar sau 10 năm trao quyền lực cho một chính quyền bán dân sự. Quân đội cho biết việc bắt giữ các quan chức của chính quyền dân sự nhằm phản ứng lại cuộc bầu cử mà họ cáo buộc có gian lận.
Cáo trạng của cảnh sát Myanmar ngày 3/2 cho biết, bà Aung Suu Kyi bị cáo buộc vi phạm luật xuất nhập khẩu khi nhập thiết bị liên lạc trái phép. Nếu bị kết tội, bà có thể đối mặt với 3 năm tù.
Hiện bà Suu Kyi bị quản thúc tại nhà riêng ở thủ đô Naypyidaw.