Phe biểu tình Thái Lan bắt đầu chiến dịch "Đóng cửa Bangkok"
(Dân trí) - Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan hôm nay 13/1 đã bắt đầu chiến dịch "Đóng cửa Bangkok", chiếm đóng các đoạn đường giao cắt quan trọng ở thủ đô, trong một bước leo thang mới của chiến dịch nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Phe biểu tình chặn đường Chaeng Wattana ở Bangkok, con đường chính dẫn tới nhà tòa chính phủ, ngay từ chiều ngày 12/1.
Hàng nghìn người biểu tình cầm cờ, một số người mặc áo có in khẩu hiểu "Đóng cửa Bangkok", đã tập trung tại 7 địa điểm chiến lược trong thành phố, bao gồm địa điểm bên ngoài một khu mua sắm lớn từng bị đốt trong cuộc khủng hoảng chính trị đẫm máu hồi năm 2010.
"Chúng tôi sẽ chiến đấu dù có thắng hay thua. Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp hoặc chấp nhận đàm phán", lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban nói trước đám đông trong một cuộc tuần hành vào tối ngày 12/1.
Ông Sunthep - chính trị gia đối lập đang đối mặt với cáo buộc giết người liên quan tới vụ trấn áp đẫm máu của quân đội nhằm vào các cuộc biểu tình chính trị thời ông còn làm phó thủ tướng vào năm 2010 - dự kiến sẽ lãnh đạo các cuộc tuần hành qua trung tâm thủ đô Bangkok vào hôm nay.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Sunthep sẽ nhận được sự ủng hộ như thế nào của người dân thành phố và một số người đã bày tỏ lo ngại rằng chiến dịch "đóng cửa Bangkok" có thể ảnh hưởng tới công việc của họ.
Giới chức cho biết sẵn sàng ban bố lệnh khẩn cấp nếu xảy ra tình trạng bất ổn mới và khoảng 20.000 cảnh sát và binh sĩ sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh.
Tuy nhiên, giới chức không cố gắng ngăn chặn người biểu tình chiếm các khu vực của thành phố trước cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới, sự kiện mà phe đối lập đã lên kế hoạch gây gián đoạn.
Những người biểu tình đã tuyên bố sẽ chặn giới chức tới công sở và cắt điện tại một số văn phòng nhà nước quan trọng trong khuôn khổ các nỗ lực đóng cửa Bangkok, điều mà giới chức cảnh báo rằng có thể dẫn tới tình trạng đổ máu thêm nữa.
Vài phát đạn đã bị bắn vào trụ sở đảng Dân chủ đối lập vào sáng sớm nay 13/1 nhưng không ai bị thương.
8 người khác, trong đó có 1 cảnh sát, đã thiệt mạng và hàng chục bị thương do bạo lực đường phố kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan nổ ra tại Bangkok 2 tháng trước.
Những người biểu tình chống chính phủ muốn Thủ tướng Yingluck từ chức để mở đường cho một chính phủ mới, vốn có thể thực hiện các cải cách bầu cử nhằm hạn chế sự thống trị chính trị của gia đình Shinawatra.
Đây là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại Thái Lan kể từ năm 2010, khi 90 thiệt mạng trong các cuộc xô xát giữa những người biểu tình ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và quân đội.
Thế bế tắc tại Thái Lan hiện nay đã làm sống lại những lo ngại về một cuộc đảo chính của quân đội hoặc tòa án nhằm lật đổ chính phủ, tại một đất nước đã chứng kiến 18 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính kể từ năm 1932.
Cảnh sát cho hay có 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trạm cứu hỏa nằm trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi kế hoạch "Đóng cửa Bangkok" của những người biểu tình.
Cảnh sát ước tính hàng ngày có tới 700.000 phương tiện đi qua 7 địa điểm dự kiến biểu tình của phe đối lập tại Bangkok.
Hôm nay, hầu hết mọi người đã chọn cách để ô tô ở nhà và giao thông thưa thớt tại trung tâm Bangkok. Các hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt đô thị trên cao vẫn hoạt động và nhiều người vẫn đi làm như thường lệ.
An Bình
Theo AFP, Bangkok Post