1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Người biểu tình Thái Lan bắt đầu quy tập lực lượng tại Bangkok

(Dân trí) - Những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã bắt đầu huy động lực lượng ở thủ đô Bangkok nhằm chuẩn bị cho chiến dịch "phong tỏa" dự kiến từ ngày mai.

Người biểu tình Thái Lan bắt đầu quy tập lực lượng tại Bangkok
 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh lực lượng biểu tình đang tăng cường các nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và ngăn cản cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/2 tới.

 

Tại khu vực tụ tập chính ở Bangkok, người biểu tình bắt đầu đóng đồ và các vật dụng để đưa đến 7 địa điểm khác nhau trong ngày 13/1 với ý đồ sẽ làm tê liệt giao thông ở thủ đô.

 

Những người biểu tình cho biết họ sẽ phong tỏa các tuyến đường chính, ngăn cản công chức đến trụ sở và cắt điện một số cơ quan quan trọng của nhà nước.

 

"Chúng tôi hy vọng mọi thức sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực vào ngày mai. Những gì chúng tôi muốn nhìn thấy là chính phủ phải quét sạch tham nhũng hoặc từ chức", một người biểu tình tên Komol nói.

 

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban cảnh báo sẽ có rất nhiều người tham gia vào cuộc đại biểu tình ngày mai.

 

"Sẽ có một số lượng lớn người biểu tình đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước tham gia vào chiến dịch phong tỏa Bangkok từ ngày 13/1", ông Suthep tuyên bố.

 

Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ cũng tổ chức tuần hành nhưng tránh xa khu vực thủ đô để tránh gây kích động.

 

Phe đối lập Thái Lan kiên quyết yêu cầu chính phủ của bà Yingluk phải từ chức và thành lập Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm kiểm soát tiến trình cải cách đất nước. Theo họ, bà Yingluk chỉ là "con rối" trong tay người anh trai lưu vong, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Do vậy, chỉ khi nào lật đổ chính phủ của bà thì mới loại bỏ được ảnh hưởng của dòng họ Shinawatra trong đời sống chính trị đất nước.  

 

Đây là diễn biến mới nhất trong "thiên tiểu thuyết bất ổn chính trị ở Thái Lan" vốn đã bóp nghẹt chính trường nước này kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006.

 

Tuy nhiên, trong phát biểu mới nhất, ông Suthep Thaugsuban tuyên bố có thể xem xét thay đổi hình thức phản kháng nếu có nguy cơ bùng nổ nội chiến.

 

"Tôi có thể xem xét chấm dứt các hành động chống đối chính phủ nếu có nguy cơ bùng phát thành nội chiến. Tuy nhiên, tôi sẽ không thỏa hiệp với chính phủ trước chiến dịch phong tỏa Bangkok vào ngày 13/1", ông khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn tờ Sunday Nation xuất bản bằng tiếng Anh.

 

Lo ngại bất ổn có thể dâng cao trong ngày mai, chính phủ Thái Lan để ngỏ khả năng sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp. Trước đó, bà Yingluk đã huy động khoảng 20.000 cảnh sát và binh sĩ giữ gìn an ninh trật tự trong ngày "phong tỏa thủ đô" của lực lượng biểu tình. 

 

Tính đến nay đã có 8 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương kể từ khi bùng phát các cuộc biểu tình kể từ cuối tháng 10/2013. Trong đợt "phong tỏa" Bangkok từ ngày 13/1, cảnh sát dự tính sẽ có khoảng 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trạm cứu hỏa bị ảnh hưởng. Vì lý do an toàn, nhiều trường học đã quyết định đóng cửa.

 

Vũ Anh

Theo Xinhua