1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Pháo đài" giúp Nga quyết không lùi bước trước phương Tây

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga dường như đã dựng "pháo đài" để bảo vệ mình trước nguy cơ bị phương Tây áp trừng phạt, trong bối cảnh căng thẳng ở Ukraine đang leo thang từng ngày.

Pháo đài giúp Nga quyết không lùi bước trước phương Tây - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: RT).

Newsweek đưa tin, khi tình hình Ukraine đang liên tục nóng lên, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang thể hiện rằng, chiến thuật răn đe chủ đạo của phương Tây thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế có thể là không đủ để ngăn Moscow "chùn bước" trước các lo ngại về an ninh của họ.

Theo giới quan sát, ông Putin có thể đang nhận định rằng, hệ thống tài chính và kinh tế Nga - vốn từng bị phương Tây áp trừng phạt vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea - đã có những sự điều chỉnh cần thiết để chống chọi với động thái cô lập hơn nữa từ các đối thủ.

Trên thực tế, trong 8 năm qua, Nga đã giảm nợ nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối. Nga cũng tăng sản lượng nông nghiệp trong nước và sản xuất trong các lĩnh vực khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Nga cũng có biện pháp hạ giá đồng rúp để tăng lợi thế cạnh tranh với mặt hàng xuất khẩu từ Moscow, "phi đô la hóa" nhằm cách ly Nga khỏi tầm ảnh hưởng của hệ thống tài chính Mỹ và cân bằng giữa các khoản chi tiêu và doanh thu của nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 16/2 cảnh báo, các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây nhằm vào kinh tế Nga có thể khiến thị trường biến động mạnh. Ông cũng cho biết, Moscow vẫn có khả năng đối phó các lệnh trừng phạt nhờ dự trữ vàng và ngoại hối lớn.

"Chúng ta có đủ thanh khoản ngoại hối và dự trữ ngoại hối. Chúng ta có một tấm chắn bằng tài chính dưới dạng dự trữ ngoại hối, dự trữ vàng, thặng dư ngân sách trong khi nợ công thấp", ông Siluanov nói.

"Nga đang dần thích nghi", Anna Mikulska, một nhà nghiên cứu về năng lượng tại Viện Baker của Đại học Rice (Mỹ), nhận xét.

Trong khi đó, chuyên gia Andrew Weiss của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ), nhận định rằng Nga đã củng cố nền kinh tế của họ trong một thời gian dài để tạo ra không gian theo đuổi các mục tiêu về chính sách đối ngoại.

Trong thời gian qua, Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga có kế hoạch "động binh" với Ukraine và cảnh báo Moscow có thể đối mặt với lệnh trừng phạt nghiêm trọng nếu kịch bản trên xảy ra.

Nga bác bỏ những cáo buộc của Mỹ, nhưng đứng trước lời cảnh báo về lệnh trừng phạt, Moscow vẫn đang duy trì quan điểm kiên quyết về việc bảo vệ lợi ích an ninh của họ, bằng cách yêu cầu NATO không mở rộng về phía đông và hạn chế triển khai vũ khí áp sát Nga.

Lệnh trừng phạt quy mô lớn

Mặc dù vậy, phương Tây lần này cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của họ nhằm vào Nga có thể sẽ có quy mô rộng hơn nhiều so với năm 2014, nhằm vào các lĩnh vực quốc phòng, tài chính và công nghệ dầu mỏ của Moscow.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh hôm 18/2 cho rằng, Nga dường như chưa thể thực hiện đủ các bước chuẩn bị để bảo vệ mình trước lệnh trừng phạt quy mô lớn mà phương Tây đang vạch ra.

Chuyên gia Jahangir Aziz từ J.P. Morgan (Mỹ) nhận định rằng, nếu phương Tây áp lệnh trừng phạt quy mô lớn như họ cảnh báo, Nga có thể sẽ phải chịu tác động đáng kể.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng cảnh báo, khi kịch bản trên xảy ra, thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga là nhà xuất khẩu lớn dầu mỏ và khí tự nhiên, cũng như các kim loại như nhôm, nickel và các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì và ngô.

Natasha Kaneva, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa và dầu mỏ toàn cầu của J.P. Morgan, cho biết kịch bản các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho nền kinh tế Nga sẽ khiến giá ô tô và các mặt hàng tiêu dùng và khí đốt tăng lên ở Mỹ và các nơi khác.

Chuyên gia Kaneva cảnh báo: "Tác động lên thị trường hàng hóa sẽ là vô cùng lớn nếu các lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Nga. Bất cứ sự gián đoạn nào đều có thể gây ra tình trạng giá tăng đột biến trên diện rộng".

Theo chuyên gia Michael David-Fox, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á - Âu, Nga và Đông Âu của Đại học Georgetown (Mỹ), Nga dường như đang có sự tính toán nhất định trước các động thái của họ. Ông dự đoán, Nga có thể chấp nhận việc "trả giá" để họ có thể đảm bảo thực hiện được các mục tiêu an ninh ở Đông Âu và duy trì tầm ảnh hưởng của họ ở khu vực.

Theo www.newsweek.com