Nỗ lực "lột xác" quân đội Nga của Tổng thống Putin
(Dân trí) - Sau khi trở thành Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin đã thực hiện các nỗ lực hiện đại hóa quân đội Nga, biến lực lượng này trở thành "quân cờ" quan trọng trong chính sách đối ngoại của Moscow.
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, giới quan sát nhận định rằng, quân đội Nga đã trải qua một thời kỳ "bị bỏ bê" và tụt hậu đáng kể so với đối thủ NATO. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm lên nắm quyền từ năm 1999 trong các vai trò tổng thống và thủ tướng, ông Putin đã nỗ lực "lột xác" quân đội nước này và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trong 2 thập niên vừa qua, quân đội Nga nhận hàng loạt khí tài "khủng" từ xe tăng, máy bay, tên lửa, cũng như mở hàng loạt căn cứ ở khu vực Bắc Cực - nơi được dự đoán sẽ trở thành khu vực địa chiến lược mới.
Giờ đây, các chuyên gia cho rằng, lực lượng quân đội Nga được hiện đại hóa đã trở thành công cụ chủ chốt trong chính sách đối ngoại của ông Putin.
Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định rằng ông Putin là người có đầu óc và tầm nhìn xa.
"Cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nga sẵn sàng sử dụng năng lực quân sự để răn đe việc NATO mở rộng liên minh sang các nước Liên Xô cũ. Sự rút lui về địa chính trị mà Nga thực hiện trong 30 năm trước đã khép lại", ông Trenin nói.
Trong nhiều tháng, lực lượng hùng hậu của Nga được điều động tới gần biên giới Ukraine đã khiến cho phương Tây phát đi hành loạt cảnh báo về nguy cơ "động binh". Nga bác bỏ những cáo buộc rằng họ định có hành động quân sự với Ukraine và giới quan sát cho rằng, động thái điều quân của Nga nhằm phát đi thông điệp răn đe về việc họ sẽ nỗ lực bảo vệ an ninh của chính họ.
Nga chưa bắn một viên đạn nào về phía Ukraine trong căng thẳng lần này, nhưng việc Moscow triển khai lực lượng đông đảo đã khiến phương Tây ồ ạt di tản nhà ngoại giao, kêu gọi công dân sơ tán và khiến Mỹ quyết định chuyển sứ quán từ Kiev về Lviv.
Ngày hôm qua, Nga thông báo đang rút bớt quân về các căn cứ sau khi thực hiện xong các cuộc tập trận quân sự được lên kế hoạch từ trước. Trong nhiều tháng, mạng xã hội ngập tràn hình ảnh khí tài Nga ùn ùn di chuyển từ xe tăng, bệ phóng rocket, pháo tự hành…
Tại cửa ngõ khác của châu Âu, Nga cùng Belarus tổ chức tập trận chung với sự tham gia của những khí tài hiện đại bậc nhất thế giới bao gồm S-400 hay Pantsir.
Tháng trước, Nga thông báo chuỗi tập trận hải quân ở Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải…
Gia tăng tầm ảnh hưởng
Với khoảng một triệu quân cùng với hệ thống vũ khí hiện đại, Nga là một trong những nền quân đội lớn và hùng mạnh nhất thế giới. Họ có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 2 thế giới, cùng hệ thống tên lửa đạn đạo "khủng".
Trong những năm qua, Nga cũng giới thiệu hàng loạt các vũ khí "bất khả chiến bại", như tên lửa siêu vượt âm có thể bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh, Avangard hay ngư lôi "ngày tận thế" có thể "thổi bay" cả một thành phố.
Trong những năm qua, Nga đã điều động quân đội tới nhiều khu vực trên thế giới làm nhiệm vụ, gia tăng đáng kể vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Gần đây nhất, Nga nhanh chóng triển khai quân đội tới quốc gia Trung Á Kazakhstan để giúp đối phó với tình trạng bạo loạn tồi tệ tại đây. Họ đã rút về sau khi tình hình trở nên ổn định.
Năm 2015, Nga đưa quân tới hỗ trợ Syria tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Theo các nhà phân tích, Syria cũng đã trở thành nơi Nga có thể thử nghiệm và xem xét các vũ khí của họ trong thực chiến khi đối đầu trực diện với những phần tử cực đoan.
"Quân đội được xem là công cụ gia tăng tầm ảnh hưởng", Vasily Kashin, một nhà phân tích quân sự tại Trường Kinh tế Đại học Moscow, cho biết.