1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phản ứng của Nga về đề xuất đảm bảo an ninh của Tổng thống Pháp

Minh Phương

(Dân trí) - Nga sẵn sàng đàm phán với phương Tây nếu các cuộc đối thoại dựa trên lợi ích hợp lý và cân bằng hơn giữa hai bên.

Phản ứng của Nga về đề xuất đảm bảo an ninh của Tổng thống Pháp - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (Ảnh: Reuters).

Ngày 6/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các phóng viên rằng, họ có thể đàm phán lại về chủ đề đảm bảo an ninh nếu phương Tây nghiêm túc. Cho đến lúc đó, Moscow sẽ tiếp tục phản ứng phù hợp trước bất kỳ động thái nào của NATO mở rộng hiện diện ở khu vực.

Ông Ryabkov, người đóng vai trò quan trọng trong các vòng đàm phán, cho biết, đàm phán có thể bắt đầu khi họ xác nhận được rằng phương Tây sẵn sàng đối thoại dựa trên lợi ích hợp lý và cân bằng hơn.

"Nếu và khi chúng tôi nghe nói rằng phương Tây thực sự quan tâm đến vấn đề này, chúng tôi sẽ quay lại bàn bạc. Tuy nhiên, giống cuộc đối thoại về vấn đề ổn định chiến lược mà Mỹ từng đơn phương làm gián đoạn, chúng tôi không theo đuổi bất kỳ ai hay yêu cầu bất kỳ ai làm điều gì", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Bình luận của ông Ryabkov được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, NATO nên sẵn sàng đưa ra các cam kết đảm bảo an ninh cho Nga, như một phần của vòng đàm phán sắp tới nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự chỉ trích của một số quan chức và cựu quan chức châu Âu, họ cho rằng Moscow mới phải là bên cần đưa ra đảm bảo an ninh.

Nga đã gửi một loạt đề xuất an ninh tới NATO và Mỹ hồi tháng 12/2021. Trong đó, Moscow yêu cầu NATO rút vũ khí tấn công khỏi khu vực gần biên giới Nga và đảm bảo rằng Ukraine không bao giờ được gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt này.

Hồi tháng 1, Mỹ và NATO đã từ chối đề xuất và nói rằng họ sẽ chỉ quan tâm đến các cuộc đàm phán nhằm kiểm soát vũ khí chiến lược. NATO cũng bật đèn xanh để kết nạp Thụy Điển, Phần Lan.

Ông Ryabkov cho biết, Nga sẽ có phản ứng tương ứng với hành động này của NATO. "Chúng tôi sẽ tự đưa ra kết luận của mình, giống như những gì chúng tôi đã làm từ trước đến nay".

Sự ổn định chiến lược mà ông Ryabkov đề cập ngầm chỉ cuộc đàm phán bị hủy bỏ giữa Nga và Mỹ ở Cairo vào tháng 11 nhằm giải quyết bế tắc liên quan tới Hiệp ước kiểm soát vũ khí New START. Moscow đã tạm thời không tham gia vào cơ chế giám sát hiệp ước này từ tháng 8 và nói rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã ngăn cản thanh sát viên Nga thực hiện công việc của họ, từ đó, mang lại lợi thế không công bằng cho Washington. Các cuộc đàm phán tiếp theo liên quan tới hiệp ước này chưa thể diễn ra chừng nào Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói vào tháng trước.

Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố, Washington tiếp tục hỗ trợ Kiev cho đến khi nào còn cần thiết.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm