Phá sản kế hoạch 5 năm, Erdogan sẽ xua quân vào Syria?
Phân tích của tờ báo Anh Independent cho thấy, không thể chấp nhận những âm mưu ở Syria bị phá vỡ, Erdogan có thể sẽ can thiệp quân sự vào Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ mất trắng vùng đệm biên giới
Đối đầu trên chiến trường hiện nay đang diễn ra ngày càng khốc liệt với lợi thế hiện đang tạm nghiêng về quân đội Syria. Quân đội ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại được nhiều phần lãnh thổ, đặc biệt là khu vực phía tây Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong 2 ngày 30 và 31 tháng 1, sau khi đánh chiếm được 2 thị trấn chiến lược Salma và Rabia, quân đội Syria đã đánh chiếm thêm một số cứ điểm của IS và phe đối lập, kiểm soát tới hơn 90% tỉnh Latakia ở miền bắc Syria và chuẩn bị mở chiến dịch tấn công các cứ điểm ở tỉnh lân cận Idlid.
Giải phóng Rabia có nghĩa là lực lượng chính phủ đã quét sạch sự đe dọa từ các chiến binh Hồi giáo cực đoan đối lập với thủ phủ tỉnh Latakia. Đến thời điểm này, chính quyền Syria giành lại được 90 phần trăm diện tích tỉnh dưới sự kiểm soát.
Rabia nằm ở phía bắc của tỉnh Latakia, chỉ cách biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ vẻn vẹn 4 km. Theo quan chức quân đội Syria, dưới sự kiểm soát của lực lượng phiến quân, Rabia biến thành trung tâm buôn lậu hàng hóa, vũ khí phi pháp và là hành lang đưa các tay súng khủng bố vào Syria.
Cũng trong thời gian qua, lực lượng Công nhân người Kurd (PKK) đã gia tăng hoạt động khiến Ankara đau đầu. Đây cũng chính là một trong những điểm yếu để Nga khai thác chống lại các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần đối đầu trực tiếp.
Ở Syria, các cuộc tấn công của người Kurd, được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của Nga đã tạo điều kiện để người Kurd tiến lên phía tây, tấn công đánh chiếm khu vực hành lang Azaz có thành phố chiến lược quan trọng Aazaz mà Thổ Nhĩ Kỳ rất coi trọng.
Thành phố này được Ankara sử dụng làm một trạm trung chuyển để cung cấp vũ khí, trang bị cho các tổ chức phiến quân và nhóm khủng bố mà họ đang hậu thuẫn. Đồng thời đó cũng là điểm tập kết của các nhóm khủng bố từ Thổ Nhĩ Kỳ sang, trước khi phân tán đi khắp khu vực bắc Syria.
Nếu phiến quân để mất Azaz, được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của Nga, người Kurd Syria có thể liên kết đến với các đồng minh khác trong khu vực Afrin, thì toàn bộ hành lang biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Syria sẽ bị phong tỏa hoàn toàn.
Những vùng đệm bất khả xâm phạm mà trước đây Ankara tự lập ra trong lãnh thổ Syria để làm hàng lang an toàn vận chuyển dầu lậu, vũ khí cung cấp cho phiến quân và con đường vận chuyển khủng bố về Syria đã hoàn toàn bị chặt đứt, bao tâm huyết của Ankara sẽ trôi sông đổ bể.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắn hạ máy bay Nga một lần nữa
Tình hình khu vực biên giới đang căng thẳng, đột nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 của Nga ngày 29-1 đã tiếp tục xâm phạm không phận nước này, bất chấp lời cảnh báo bằng cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã mang NATO ra đe dọa và tuyên bố hành động trên của Nga là một dấu hiệu rõ ràng nhằm gia tăng căng thẳng trong khu vực và Moscow sẽ phải nhận những hậu quả xấu mới do hành động thiếu trách nhiệm này.
Song song với đó, Lầu Năm Góc cũng xác nhận tuyên bố của Ankara về việc máy bay quân sự của Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng Nga là Thiếu tướng Igor Konashenkov khẳng định rằng, tuyệt nhiên không có chuyện máy bay thuộc nhóm không quân Nga tại Syria vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, còn tuyên bố của phía Ankara là hoàn toàn vô căn cứ.
Theo tướng Konashenkov, các phương tiện phòng không của Nga tại Syria cũng như hệ thống radar kiểm soát không gian của Syria đều không ghi nhận bất kỳ vụ vi phạm nào với biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tình hình hiện nay, có thể dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn sử dụng vụ tố cáo máy bay Su-34 Nga xâm phạm không phận mới nhất làm cái cớ để triển khai một chiến dịch gây sức ép, nhằm buộc Nga nới lỏng khu vực biên giới với Syria.
Theo tin của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, không quân nước này đã nâng cấp sẵn sàng chiến đấu ở mức báo động cao. Hãng thông tấn Anadolu ngày 31-1 tiết lộ, các căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía nam đã được đặt vào mức cảnh báo sẵn sàng chiến đấu “màu cam”.
Theo thông tin từ nguồn quân sự của hãng này, việc nâng mức báo động tại các căn cứ không quân được coi là "hoàn toàn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống" và các phi công có quyền lập tức đáp trả mọi mối đe dọa, mà không đợi xin chỉ thị của Bộ Tư lệnh không quân.
Dường như Ankara đã quá sốt ruột trước việc các nhóm khủng bố mà mình hậu thuẫn lần lượt bị đánh tan, hành lang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria bị khoá chặt. Điều này cho thấy, rất có thể do “quá quẫn” mà chính quyền Erdogan sẽ đưa ra những biện pháp cực đoan.
Không thể loại trừ việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bắn rơi máy bay Nga, khiến khu vực lại bước vào một vòng xoáy xung đột mới. Nhưng lần này Nga sẽ không chỉ đưa ra các biện pháp đáp trả phi quân sự. Nếu kịch bản một vụ Su-24 thứ 2 lặp lại, NATO cũng không cứu được Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể xua quân sang lãnh thổ Syria
Ngay từ hồi cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, nhiều khả năng Akara sẽ can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tại Syria khi con đường huyết mạch Azaz nối với Afrin có nguy cơ bị cắt đứt.
Hiện tình huống này đã cận kề và quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hiện diện ở thị trấn Jarablus, thuộc tỉnh phía bắc của Syria là Aleppo, cách biên giới với nước này khoảng 1km. Liệu đây có thể là bàn đạp để quân đội nước này tràn sang Syria hay không?
Trước đây, tờ Libération của Pháp cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan có quan niệm về quyền lực chuyên chế kiểu Sultan (Quốc Vương), có tính cách chuyên quyền, độc đoán, không chịu đựng được bất kỳ chỉ trích nào, ghét cay ghét đắng phe đối lập
Erdogan rất thích giương oai diễu võ, hô hào chủ nghĩa dân tộc trước các cử tri của mình để thỏa mãn tham vọng quyền lực. Ông ta tự cho rằng được Chúa Trời giao phó trách nhiệm mang lại ánh hào quang như xưa cho đất nước của mình, do đó, dám làm tất cả để thực hiện tham vọng.
Theo tờ The Independent của Anh, Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ là người không thể đoán trước được tính cách và hành động, ông này hoàn toàn có thể đưa ra các hành động cực đoan như tung quân xâm nhập vào Syria.
Dưới sự lãnh đạo của Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể liều lĩnh đi rất xa trong việc xác lập vị thế ảnh hưởng của mình với các sự kiện ở Syria và Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc xung đột Syria đã bước vào giai đoạn quan trọng - The Independent viết.
Đà phát triển sự kiện những tháng gần tới có lẽ sẽ phân định ai là người chiến thắng và kẻ nào thua tại khu vực này. Nhưng hiện nay, lực lượng Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad chiếm ưu thế trên nhiều mặt trận, dưới sự yểm trợ của Không quân Nga.
Bài báo của Independent đánh giá rằng, chiến dịch lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với sự trợ giúp của phe đối lập vũ trang, mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiến hành ròng rã 5 năm qua có vẻ như đang đến hồi đổ vỡ.
Về bản chất, với cương vị là một quốc gia NATO, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải chấp nhận việc chiến dịch của mình thực tế đã đổ vỡ và thừa nhận cực kỳ khó đưa quân vào miền bắc Syria, trong bối cảnh vấp phải sự phản đối của cả Nga và “anh cả” Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, với tính cách khó lường của Erdogan và ước vọng điên rồ về việc khôi phục đế chế Ottoman từng thống trị cả một khu vực rộng lớn bao gồm một phần lãnh thổ châu Á, châu Phi và châu Âu, ông ta có thể coi đó là sự sỉ nhục và quyết định phát động chiến dịch quân sự chống Syria.
Theo Toàn Thắng
Đất Việt