1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Zelensky: Nga đã phải đối mặt với một trong những "thiệt hại lớn nhất"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng việc Ukraine khóa van trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu đã khiến Moscow gặp phải "một trong những thiệt hại lớn nhất".

Ông Zelensky: Nga đã phải đối mặt với một trong những thiệt hại lớn nhất - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Việc dừng trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine là "một trong những bước lùi lớn nhất của Moscow", Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố ngày 1/1 trên kênh Telegram.

Ukraine đã chấm dứt việc trung chuyển khí đốt tự nhiên của Nga qua lãnh thổ nước này vào ngày 1/1. Kiev đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận này khi nó hết hạn vào cuối năm 2024, vì Ukraine không muốn Nga có ngân sách để duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.

"Khi ông Putin nắm quyền ở Nga hơn 25 năm trước, lượng khí đốt bơm hàng năm qua Ukraine đến châu Âu là hơn 130 tỷ m3. Ngày nay, con số này là 0. Đây là một trong những thiệt hại lớn nhất của Moscow", ông Zelensky nói, đề cập tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo ông Zelensky, việc Nga "vũ khí hóa" năng lượng và gây áp lực một cách cứng rắn tới các đối tác châu Âu đã khiến Moscow "mất đi thị trường hấp dẫn nhất và dễ tiếp cận nhất về mặt địa lý".

Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng, hầu hết các quốc gia châu Âu "đã thích nghi" với việc ngừng sử dụng khí đốt trung chuyển của Nga. Ông nói thêm rằng nhiệm vụ chung hiện tại của các đồng minh là hỗ trợ Moldova, quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ông Zelensky bày tỏ tin tưởng rằng nguồn cung khí đốt từ Mỹ và các đối tác khác sẽ làm cho giá cả trên thị trường năng lượng trở nên hợp lý hơn.

"Càng nhiều khí đốt từ các đối tác thực sự của châu Âu có mặt trên thị trường, thì những hậu quả tiêu cực cuối cùng của sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga sẽ càng nhanh chóng được khắc phục", ông Zelensky nói.

Mặt khác, tại châu Âu, vẫn có những quốc gia phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và người đồng cấp Slovakia Robert Fico là những người phản đối quyết liệt nhất đối với quyết định dừng trung chuyển khí đốt Nga của Ukraine. Tới nay, ông Orban và ông Fico vẫn duy trì quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong bài phát biểu chào năm mới, ông Fico cho rằng việc dừng trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ có "hậu quả nghiêm trọng" cho tất cả các nước trong Liên minh châu Âu, nhưng không phải đối với Nga. Ông Fico cảnh báo giá khí đốt và điện ở châu Âu sẽ tăng.

Ông Fico trước đó đã cảnh báo cắt nguồn cung cấp điện cho Kiev giữa bối cảnh Ukraine ngày càng chịu nhiều cuộc tấn công từ Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Trong khi EU đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhiều quốc gia, bao gồm Slovakia và Hungary, vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Slovakia có hợp đồng dài hạn với tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom và ước tính rằng các phương án thay thế có thể làm tăng chi phí vận chuyển thêm 220 triệu euro (khoảng 228,73 triệu USD).

Theo một ước tính của Bloomberg, lượng khí đốt Nga chuyển qua Ukraine sang châu Âu mang lại cho Moscow 6,5 tỷ USD mỗi năm. Việc Ukraine khóa van khiến Nga sẽ mất đi khoản tiền này. Ngoài ra, Kiev cũng mất 800 triệu USD tiền phí trung chuyển khí đốt. 

Cuối tháng trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua nhiều tuyến đường khác nhau.

Tới nay, Nga vẫn còn cấp khí đốt cho châu Âu qua tuyến Blue Stream và TurkStream (chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ), cũng như các chuyến hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine