1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump nghi vũ khí siêu vượt âm Trung Quốc dùng công nghệ sao chép từ Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nghi ngờ tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc được chế tạo bằng công nghệ "sao chép của Mỹ" thông qua Nga.

Ông Trump nghi vũ khí siêu vượt âm Trung Quốc dùng công nghệ sao chép từ Mỹ - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).

Trong bài trả lời phỏng vấn trên một chương trình phát thanh hôm 8/12, cựu Tổng thống Donald Trump cáo buộc rằng tên lửa siêu vượt âm mà Trung Quốc được cho đã phóng thử trong thời gian qua được tạo ra bởi công nghệ sao chép từ Mỹ từ thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Ông Trump nghi ngờ rằng, có một gián điệp ở Mỹ đã giao công nghệ siêu vượt âm cho Nga và Trung Quốc tiếp cận được công nghệ này từ Nga.

"Anh biết đó, ai đó đã giao toàn bộ những công nghệ siêu vượt âm chúng ta có cho họ trong nhiệm kỳ của Obama", ông Trump cáo buộc.

Cựu Tổng thống Mỹ không nêu ra thêm bất cứ chi tiết nào cho cáo buộc ông đưa ra.

Tháng 9 năm ngoái, ông Trump cũng đã cáo buộc Nga "đánh cắp thông tin" về công nghệ vũ khí siêu vượt âm dưới thời chính quyền Obama.

Gần đây, Mỹ nhiều lần thừa nhận họ đang chậm chân hơn đối thủ Nga - Trung Quốc trong công nghệ siêu vượt âm và đang phải tăng tốc bám đuổi.

Mỹ nghi ngờ rằng Trung Quốc hồi tháng 7 đã thực hiện vụ thử vũ khí siêu vượt âm. Tuy nhiên, Trung Quốc sau đó bác tin này, nhấn mạnh họ đang phát triển công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ.

Trên thực tế, hiện tại cả Nga và Trung Quốc đều đã biên chế tên lửa có khả năng bay nhanh gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh vào kho vũ khí. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang tăng tốc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm và hiện họ đã có một số thử nghiệm cả thành công và thất bại.

Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall ngày 30/11 nhận định, Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc chạy đua về vũ khí siêu vượt âm. "Có một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng không phải để tăng số lượng mà là để tăng chất lượng vũ khí. Đó là một cuộc chạy đua đã diễn ra được một khoảng thời gian. Trung Quốc đã và đang rất quyết liệt trong cuộc đua này", ông Kendall nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo của nhà thầu vũ khí hàng đầu Mỹ, Raytheon, cảnh báo rằng chính phủ Mỹ đang chậm hơn Trung Quốc "nhiều năm" trong việc phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Trung Quốc chế tạo động cơ máy bay siêu vượt âm bằng công nghệ Mỹ "xếp xó"?

Ông Trump nghi vũ khí siêu vượt âm Trung Quốc dùng công nghệ sao chép từ Mỹ - 2

Dự án Boeing Manta X-47C từng bị Mỹ cho "đắp chiếu" (Ảnh: SCMP).

Theo SCMP, Giáo sư Tan Huijun và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô đã chế tạo ra một nguyên mẫu động cơ siêu vượt âm dựa trên thiết kế của Ming Han Tang - người từng là kỹ sư trưởng chương trình siêu vượt âm của NASA vào những năm 1990.

Khác với hầu hết các máy bay siêu vượt âm có động cơ ở phần bụng, thiết kế TSV của ông Tang lại có 2 động cơ riêng biệt 2 bên. Cơ chế của nó là chiếc máy bay có thể hoạt động ở tốc độ thông thường và sau đó chuyển sang chế độ tốc độ cao.

Tính khí động học của thiết kế động cơ kép rất phức tạp và một số câu hỏi quan trọng - ví dụ như liệu động cơ có bốc cháy sau khi chuyển sang tốc độ siêu vượt âm - vẫn chưa rõ ràng. Boeing Manta X-47C, một chương trình sử dụng thiết kế của ông Tang, đã bị chính phủ Mỹ "đắp chiếu" vào đầu những năm 2000 vì những khó khăn về kỹ thuật và chi phí.

Đội ngũ của giáo sư Tan ở đại học Nam Kinh đã xây dựng nguyên mẫu động cơ dựa trên bản thiết kế của ông Tang, vốn đã được giải mật vào năm 2011. Ông Tan trước đó từng nhận giải thưởng chính phủ vì những đóng góp của ông cho chương trình vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc.

Ý tưởng của ông Tang đã không nhận được cái "gật đầu" từ phía Mỹ, nhưng tại Trung Quốc nó lại thu hút sự quan tâm vì "hiểu cơ chế hoạt động của nó có thể có được những chỉ dẫn quan trọng để phát triển động cơ và máy bay siêu vượt âm", ông Tan và đồng nghiệp cho biết.

Kỹ sư Tang, cựu nhân viên NASA, sinh ra ở Trùng Khánh, Trung Quốc trước khi chuyển sang Đài Loan rồi tới Mỹ định cư vào những năm 1950. Ông từng tham gia vào chương trình tối mật của nhà thầu Lockheed Martin để phát triển các máy bay trinh thám tốc độ cao như U-2 hay SR-71. Từ cuối những năm 1980, ông đứng đầu chương trình nghiên cứu siêu vượt âm của NASA. Ông rời NASA vào năm 1999, năm mà nhiều nhà khoa học gốc Trung Quốc đã bị đưa vào "tầm ngắm" sau một số lùm xùm liên quan tới nghi vấn gián điệp.

Ông Tang trở thành cố vấn sau khi rời NASA. Ông qua đời ở Virginia vào năm 2018 ở tuổi 78.

Sau khi thử nghiệm nguyên mẫu động cơ theo thiết kế của ông Tang, ông Tan và đồng nghiệp cho rằng nó chưa hoàn hảo. Kết quả thử nghiệm và mô phỏng trên máy tính cho thấy nhiễu động mạnh có thể xảy ra ảnh hưởng đến độ ổn định của chuyến bay. Cũng có một giới hạn về độ dốc mà máy bay có thể leo lên mà không làm tắc động cơ. Ông Tan nhận định, vẫn còn rất nhiều vấn đề thách thức cần được giải quyết.

Vũ khí siêu vượt âm Trung Quốc hầu hết dùng rocket ở giai đoạn đầu để đẩy. Sau khi đạt tới độ cao nhất định ở tốc độ cao, rocket tắt đi và để động cơ siêu vượt âm hoạt động. Cơ chế trong thiết kế của ông Tang rất khác so với cơ chế nói trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm