1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump nêu điều kiện để có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine nếu đắc cử

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra điều kiện để có thể tiếp tục việc hỗ trợ của Washington cho Ukraine nếu ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 11.

Ông Trump nêu điều kiện để có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine nếu đắc cử - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Ông Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, cho biết nếu ông thắng cử vào tháng 11 này, ông sẽ cố gắng tìm cách giúp Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhưng cũng sẽ yêu cầu châu Âu có nỗ lực tương tự.

Khi được Times hỏi rằng liệu ông có tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine hay không, ông Trump trả lời: "Tôi sẽ cố gắng giúp đỡ Ukraine nhưng châu Âu cũng phải đến đó và thực hiện nhiệm vụ của mình".

Ông cho rằng, châu Âu vẫn chưa có sự hỗ trợ đầy đủ với Ukraine nếu so với Mỹ.

Ông Trump cũng nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán trước đó. Sau cuộc gặp với ông Trump hồi tháng 3, ông Orbán nói rằng ông Trump đã tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ không gửi thêm viện trợ cho Ukraine.

"Không phải như vậy. Tôi đã nói rằng tôi sẽ không chi thêm tiền nữa trừ khi châu Âu bắt đầu đóng góp một cách công bằng. Họ cần phải làm vậy. Châu Âu phải đóng góp. Mỹ đang phải trả nhiều hơn các quốc gia Châu Âu. Điều đó thật không công bằng đối với chúng tôi", ông Trump nói.

Ông cũng tuyên bố rằng Liên minh châu Âu phân biệt đối xử không công bằng với Mỹ về các vấn đề kinh tế và các nước NATO ở châu Âu bắt đầu tăng chi tiêu quốc phòng sau khi ông cảnh báo sẽ không bảo vệ đồng minh nếu họ không thực hiện nghĩa vụ.

Trước đó, truyền thông Mỹ nói rằng, nếu ông Trump thắng cử, ông có thể dự định sẽ giảm bớt một số cam kết với các quốc gia NATO và có kế hoạch thúc đẩy Ukraine và Nga tới bàn đàm phán.

Trong một diễn biến khác, Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, tin rằng sự chậm trễ của liên minh trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đã ảnh hưởng đến niềm tin của Kiev đối với họ và việc tăng cường vai trò của NATO trong tình huống này có thể giải quyết được vấn đề.

Ông Stoltenberg tin rằng niềm tin của Ukraine vào các nước NATO đã bị "sứt mẻ" do sự chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí. Ông nhận định đây là dấu hiệu cho thấy cần phải xem xét lại việc điều phối viện trợ quân sự quốc tế cho Kiev.

"NATO cần một khuôn khổ mạnh mẽ hơn, được thể chế hóa hơn cho sự hỗ trợ của chúng tôi nhằm đảm bảo khả năng dự đoán, đảm bảo trách nhiệm giải trình cao hơn và đảm bảo chia sẻ gánh nặng", ông nói.

Ông đề cập đến ý tưởng lập một kế hoạch kéo dài nhiều năm nhằm xác định rõ ràng sự đóng góp của mỗi thành viên NATO trong việc viện trợ cho Ukraine.

Phản ứng trước mối lo ngại của một số thành viên NATO, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng số tiền này sẽ chỉ là "một phần rất nhỏ" so với những gì Mỹ và các đồng minh đã chi ở Iraq và Afghanistan.

Ông nói: "Ở những nơi đó chúng ta nói về hàng nghìn tỷ USD và ở Ukraine, chúng ta đang nói về con số hàng tỷ. Nhưng chúng ta thực sự đang giải quyết một thách thức thực sự cho an ninh của chúng ta, một nước Nga quyết liệt hơn".

Theo UP