Ông Trump chính thức định dạng cho quan hệ Mỹ - Nga
Sự thân thiện của bộ đôi Trump – Putin chỉ mang tính cảm xúc riêng tư, quan hệ Mỹ – Nga không được định hình bằng cảm xúc đó...
Quan hệ Mỹ - Nga thời chính quyền Trump sẽ ra sao, hay nói cụ thể hơn là Washington và Moscow sẽ bắt đầu một chương mới trong quan hệ như thế nào, thời điểm nào thì bắt đầu, có những điều điều kiện gì được đặt ra, tính chất mối quan hệ giữa hai bên trong giai đoạn mới như thề nào... đây là điều dư luận luôn chờ đợi sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có kết quả.
Việc “hacking Nga” bị cho là một trong những nguyên nhân giúp ông Trump thắng cử, việc tân tổng thống Mỹ có thiện cảm với người đứng đầu nhà nước Nga hiện nay hay việc tổng thống doanh nhân lựa chọn một số nhân vật được cho là “thân Nga” vào nội các, khiến giới phân tích mường tượng ra chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tổng thống thứ 57 sẽ là chính quyền “thân Nga”.
Và việc chính quyền của Tổng thống Obama ở buổi hoàng hôn của nhiệm kỳ vẫn quyết bới lông tìm vết, dựng lên nhiều rào cản cho tân tổng thống Trump trong cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, càng khiến cho dự báo về một mối quan hệ đặc biệt Mỹ - Nga nhanh chóng được xác lập khi ông Trump vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, sự thể lại không giống như mọi người mường tượng.
Theo The Wall Street Journal ngày 13/1 cho biết, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí này, Tổng thống đắc cử Trump đã đặt câu hỏi : "Vì sao ai đó lại bị trừng phạt chỉ vì họ đang làm những điều thực sự tuyệt vời. Nếu Nga thực sự đang giúp chúng ta, tại sao phải áp lệnh trừng phạt".
Cá nhân người viết cho rằng, qua câu hỏi có vẻ thân thiện ấy, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã khái quát một cách ngắn gọn và đầy đủ cho quan hệ Mỹ - Nga dưới thời chính quyền của ông.
Hay nói chính xác là tân tổng thống Mỹ đã định dạng cho quan hệ Washington – Moscow khi ông nắm quyền lực. Tại sao lại nhận định như vậy?
Ông Trump đã chính thức đặt điều kiện cho việc cải thiện quan hệ Mỹ - Nga
Có lẽ những ai lo lắng ông Trump có thể tháo khoán ngay cho quan hệ Mỹ - Nga đã thở phào nhẹ nhõm khi vị tân tổng thống thể hiện quan điểm về việc “tại sao lại phải trừng phạt Nga nếu như họ làm điều tuyệt vời cho nước Mỹ”.
Tổng thống Obama đã có thể nhẹ lòng rời Nhà Trắng khi ông Trump tiễn ông bằng một giả thiết mang tính điều kiện cho quan hệ Mỹ - Nga.
Ông Obama cũng như những người lo lắng ông Trump thiện cảm với ông Putin thì có thể nhanh chóng cải thiện quan hệ Washington - Moscow, mà nguyên nhân là sợ Nga làm điều không tốt cho nước Mỹ.
Song khi ông Trump đưa ra mệnh đề “nếu Nga làm điều tuyệt vời cho nước Mỹ” thì ông Obama có thể nhận diện là quan hệ Mỹ - Nga không thể thân thiện vượt thời gian.
Và nếu Nga làm được điều tốt cho nước Mỹ thì việc ông Trump tháo khoán, dỡ bỏ rào cản cho quan hệ Mỹ - Nga, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước cũng không khiến ông Obama buồn lòng.
Bởi thực ra vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ cũng muốn điều tốt cho người Mỹ, song khổ nỗi chính quyền của ông không thể chứng minh những điều Nga làm là tuyệt vời cho nước Mỹ.
Và thế là để đảm bảo an toàn cho nước Mỹ, để tốt cho người Mỹ, chính quyền Tổng thống Obama đã tạo ra rào cản hữu hình cho quan hệ Mỹ - Nga bằng các biện pháp cấm vận, trừng phạt hay hạ tầm quan hệ. Tuy nhiên, điều đó chưa hẳn đã an toàn, đã tốt cho người dân Mỹ như mong muốn của ông Obama và các cộng sự cũng như giới tinh hoa của nước Mỹ.
Và ông Trump đã làm khác với ông Obama là tạo ra rào cản vô hình cho quan hệ Mỹ - Nga, mà trách nhiệm phá rào được ông trao cho đối phương với điều kiện là phải làm điều tuyệt vời cho nước Mỹ. Moscow hoàn toàn không thể hạ tầm thân thiện của bộ đôi Trump – Putin qua việc tân tổng thổng Mỹ tạo ra rào cản vô hình với mình.
Bởi lẽ, chính quyền Trump đã trao chìa khóa của việc đóng mở quan hệ Mỹ - Nga cho Kremlin, người Nga được hoàn toàn chủ động trong tình huống này. Việc xóa cấm vận, bỏ trừng phạt hay nâng tầm quan hệ với Washington hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Moscow, chứ không phải chờ đợi Trump tìm cách tháo khoán.
Có thể thấy rằng, vị tỷ phú bất động sản luôn đưa dư luận từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong việc thể hiện quan điểm cũng như định hướng hành động cho chính quyền của ông. Cá nhân người viết cho rằng tân tổng thống đã quá xuất sắc trong việc nêu câu hỏi thân thiện nhưng thực ra là đặt điều kiện cho ông Putin trong việc nâng tầm quan hệ Nga - Mỹ. Ông Trump gần như “chỉ được, không mất” trong tình huống này.
Ông Trump đã xác định tính chất cho quan hệ Mỹ - Nga trong giai đoạn mới
Với mệnh đề được xác lập qua nghi vấn : "Vì sao ai đó lại bị trừng phạt chỉ vì họ đang làm những điều thực sự tuyệt vời. Nếu Nga thực sự đang giúp chúng ta, tại sao phải áp lệnh trừng phạt?", tân tổng thống Mỹ đã chính thức định dạng cho quan hệ Mỹ - Nga trong giai đoạn mới, đó là quan hệ cộng sinh nhưng không bình đẳng.
Có thể thấy rằng, từ khi Liên Xô ra đời cho đến trước khi ông Trump vào Nhà Trắng, quan hệ Mỹ - Nga không phải là quan hệ cộng sinh mà tính chất quan hệ giữa Washington và Moscow luôn là triệt tiêu lẫn nhau. Ngay thời Thế chiến II khi đối mặt với kẻ thù chung là chủ nghĩa phát xít có thể kéo lùi sự phát triển của lịch sử nhân loại, quan hệ Xô – Mỹ cũng không có tính chất cộng sinh.
Việc mặt trận phía Tây được mở bởi liên quân Anh – Mỹ là do London bị phát xít Đức tấn công và có nguy cơ bị san phẳng, còn quân lực Mỹ thì bị phát xít Nhật đánh cho tan tác tại Trân Châu Cảng. Mỹ và Anh tham chiến vì họ bị phái xít tấn công hơn là vì muốn chia sẻ với Liên Xô trong cuộc chiến với chủ nghĩa phát xít.
Khi Thế chiến II kết thúc thì Chiến tranh Lạnh hình thành và một trận tuyền mới mang tính một mất một còn giữa Mỹ và Liên Xô trong quá trình tạo ảnh hưởng trên trường quốc tế được mở ra.
Sân khấu chính trị thế giới nghiêng ngả vì sự đối lập về ý thức hệ giữa hai bên và việc triệt hạ đối phương, triệt tiêu đối thủ luôn là mục đích cuối cùng trong chiến lược của mỗi bên.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc thì với vị thế thống soái trong thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ, Washington thực hiện phương châm “công không thèm thủ” với nước Nga thời hậu Xô viết. Khi Tổng thống Putin làm hồi sinh sức mạnh Nga thì một trận chiến mới giữa Mỹ và Nga lại hình thành và đưa hai bên vào thế đối trọng không thua gì đối trọng thời Xô – Mỹ.
Lướt qua lịch sử để thấy rằng, việc Trump định hình cho quan hệ Mỹ - Nga mang tính cộng sinh là một đổi thay mang tính lịch sử. “Vì sao ai đó lại bị trừng phạt chỉ vì họ đang làm những điều thực sự tuyệt vời”, đã thể hiện quan điểm của của chính quyền Trump là một chính quyền hướng tới hợp tác hơn là đối đầu, đối nghịch.
Phải hợp tác thì mới nhìn nhận và nhìn nhận ra điều tuyệt vời của đối phương trong quan hệ với mình. Có thể nước Nga đã làm nhiều điều tuyệt vời cho nước Mỹ nhưng vì luôn bị xem là đối đầu, đối nghịch nên dù có tuyệt vời trong hành động thì Moscow cũng đều bị nghi vấn phía sau những việc làm ấy. Và tân Tổng thống Trump đã chính thức chấm dứt tình trạng đó.
Vậy về phía Mỹ thì sao, có làm điều tuyệt vời với Nga không? Có thể nhận diện việc tân Tổng thống Trump chỉ đặt nghi vấn xoay quanh hai vấn đề “Nga làm điều tuyệt vời” và “Tại sao cấm vận Nga”, chứ không nêu cách hành xử tương ứng của Mỹ với việc làm tuyệt vời của Nga, cho thấy ông Trump đã xác định quan hệ Nga – Mỹ không mang tính bình đẳng.
Nga tuyệt vời sao lại trừng phạt mà phải bỏ trừng phạt, không được trừng phạt, điều đó có thể nhận diện điều tuyệt vời nhất Mỹ có thể làm với Nga chỉ là bỏ trừng phạt. Không trừng phạt, bỏ trừng phạt Nga khi Nga làm điều tuyệt vời là tốt, là cần thiết nhưng không thể được xem là điều tuyệt vời tương xứng với Nga.
Như vậy là với quan điểm của Tổng thống Trump thì hành động tuyệt vời của Nga chỉ có thể đổi lấy việc không bị trừng phạt, còn việc Mỹ có làm điều tốt hơn nữa cho Nga hay không thì chưa thể biết được. Có thể nhận diện một quan hệ quá không bình đẳng giữa Washington với Moscow đã được tân Tổng thống Trump định dạng.
Tóm lại, một câu hỏi thân thiện của vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho quan hệ Mỹ - Nga, nó rất có lợi cho nước Mỹ, còn với nước Nga thì không thể nhận diện mà hoàn toàn phụ thuộc vào xét đoán của Washington.
Như vậy, sự thân thiện của bộ đôi Trump – Putin chỉ mang tính cảm xúc riêng tư, chứ quan hệ Mỹ – Nga thì không được định hình bằng cảm xúc đó.
Theo Ngọc Việt
Đất Việt