1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ: Trung Quốc mất ánh hào quang?

Phe cứng rắn ở Washington lập luận rằng, nên tận dụng điểm yếu để gây sức ép với Bắc Kinh nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng có ý kiến ông Tập sẽ cương quyết không có bất kỳ nhượng bộ nào bị coi là "mất mặt" khi trở về.

Khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ bắt đầu lên kế hoạch đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình thăm Washington vào cuối tháng 9 này, họ từng hình dung ra rằng, ông sẽ đến trong ánh hào quang, thương hiệu "giấc mơ Trung Hoa" hoành tráng.

Họ đau đầu nghĩ về thách thức làm thế nào để ứng xử với một TQ mạnh mẽ, tự tin.

Giờ đây, các quan chức Mỹ lại đối mặt với một trải nghiệm khác. Sau cơn bão kinh tế trong tháng, ông Tập Cận Bình đang hứng chịu khá nhiều áp lực. Câu hỏi đặt ra liệu Mỹ có thể hợp tác như thế nào với một TQ mới hiện tại, yếu hơn, dễ tổn thương hơn, và vật lộn để phục hồi tăng trưởng ổn định kinh tế?

Nhưng như Kurt Campbell, cố vấn chính sách châu Á trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Obama cho rằng, “TQ đang bước vào một giai đoạn bất ổn và lo ngại ở trong nước, nhưng không nhất thiết nhún nhường trong các vấn đề quốc tế" và "ông Tập dường như sẽ cứng rắn hơn để tránh xuất hiện với sự yếm thế".

Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ: Trung Quốc mất ánh hào quang? - 1

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sẽ không có nhượng bộ nào?

Theo các nhà quan sát, TQ đang bước vào xu thế "điều chỉnh" kinh tế sau quá nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng và cho vay không kiểm soát.

Henry Paulson, nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ viết trong cuốn "Ứng xử với TQ" rằng “một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, mức độ nợ gia tăng nhanh chóng hiếm khi là sự kết hợp tốt lành, và TQ nhất định phải tính toán. Không phải là câu hỏi nếu, mà là khi nào, hệ thống tài chính TQ sẽ đối mặt với tính toán ấy".

Khó nhượng bộ

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch TQ đặt ra hai mục tiêu: cải cách tự do thị trường và chống tham nhũng. Cả hai mục tiêu này đều là nỗ lực củng cố sự ổn định của TQ và bảo vệ đảng cầm quyền.

Tuy nhiên, cho tới nay, ông Tập chưa hoàn thành lời hứa cải cách, và chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay khiến ông có không ít đối thủ.

Vị chủ tịch TQ đến Mỹ với một nền tảng chính trị mới khá mỏng manh và sự bất ổn kinh tế. Ông tìm kiếm một biểu tượng quyền lực mà cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington có thể mang lại. Và ông sẽ cương quyết không có bất kỳ nhượng bộ nào bị coi là "mất mặt" khi trở về.

Những người theo phe cứng rắn có thể lập luận rằng, nên tận dụng yếu điểm này để gây sức ép với Bắc Kinh.

Gần đây, một số quan chức cấp cao Lầu Năm Góc đã yêu cầu Mỹ cần mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định quyền đi lại ở Biển Đông, bằng cách điều động máy bay và tàu chiến thách thức yêu sách chủ quyền của TQ tại vùng biển tranh chấp.

Tranh luận chính sách về Biển Đông, Lầu Năm Góc lo ngại về việc TQ đang xây dựng những gì được gọi là cơ sở hải quân ở khu vực tranh chấp và không hề gặp phản ứng của Mỹ.

Nhiều đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á cũng mong muốn họ khẳng định bằng hành động cam kết đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển.

Trong khi đó, chính quyền Obama lại có vẻ miễn cưỡng trước những cảnh báo thách thức hàng hải này với lập luận rằng, nó có thể dẫn tới một chuỗi phản ứng không lường trước.

Phụ thuộc lẫn nhau

Trong khi đó, trước thềm chuyến thăm của ông Tập, Nhà Trắng hầu như không muốn có những động thái quá cứng rắn.

"Hãy nói cho tôi những gì xảy ra tiếp theo" dường như là phản ứng thận trọng của Obama trước đề xuất cứng rắn hơn ở Biển Đông cũng như với các vấn đề Syria, Ukraina.

Với bối cảnh hiện tại, có lẽ ông Obama sẽ theo đuổi một chương trình nghị sự hạn chế trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình.

Chủ đề chung có thể là Mỹ và TQ - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ làm việc cùng nhau vì ổn định và tăng trưởng toàn cầu.

Các vấn đề chi tiết hơn có thể là việc TQ tái khẳng định lập trường về thỏa thuận hạt nhân Iran, thành lập nhóm nghiên cứu chung để tìm hiểu về mối liên hệ giữa ngân hàng cho vay mới tại châu Á mà TQ khởi xướng và các thể chế hiện tồn như Quỹ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Thế giới; nhóm làm việc về vấn đề an ninh mạng; một tuyên bố chung về Triều Triên và cam kết về hạn chế khí thải carbon trước thềm hội nghị biến đổi khí hậu ở Paris vào tháng 12.

Những biến động tài chính vừa qua với sự bất an trên các thị trường từ Thượng Hải đến Manhattan là một lời nhắc nhở về sự phụ thuộc lẫn nhau của kinh tế thế giới.

Đó là một thực tế không đem lại sự thoải mái cho cả Mỹ và TQ. Mỗi bên đều muốn làm chủ vận mệnh của mình và có thể tự định hình thế kỷ 21 theo hình ảnh riêng biệt.

Cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington sắp tới có thể sẽ minh họa rõ ràng cho những giới hạn quyền lực ngay cả với hai người khổng lồ toàn cầu.

Theo Thái An/Washington Post

Vietnamnet

Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ: Trung Quốc mất ánh hào quang? - 2