1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ-Trung sẽ bàn gì trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình?

(Dân trí) - Khi chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cận kề, báo giới đang có những đồn đoán khác nhau về nội dung quan trọng sẽ được bàn thảo của lãnh đạo cấp cao hai nước.

 

Mỹ-Trung sẽ bàn gì trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình? - 1

Lãnh đạo Mỹ, Trung đi dạo tai khu Trung Nam Hải khi ông Obama thăm Bắc Kinh năm 2014 (Ảnh: AFP)

 

Phần lớn các dự báo đều cho rằng nội dung chủ yếu của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung là vấn đề Trung Quốc phá giá đồng NDT, vấn đề Biển Đông và an ninh mạng...

Từ hóa giải căng thẳng…

Cuộc gặp cấp cao Trung - Mỹ lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở giai đoạn khá căng thẳng, khi Mỹ cáo buộc Bắc Kinh chủ ý hạ giá đồng NDT, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào khủng hoảng trong ngắn hạn và gây thâm hụt thương mại có thể lên tới 300 tỷ USD trong dài hạn.

Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc gây mất an ninh mạng, khiến Washington bị rò rỉ thông tin dữ liệu của Cục Nhân sự Mỹ với 22 triệu nhân viên Chính phủ Mỹ và các thành viên gia đình họ.

Về vấn đề kinh tế toàn cầu cũng sẽ có trong chương trình nghị sự cấp cao hai nước, liên quan đến các vấn đề song phương và đa phương mà hai nền kinh tế lớn số 1 và số 2 thế giới có trách nhiệm góp phần ngăn chặn đà suy thoái và không để xảy ra nguy cơ tái khủng hoảng toàn cầu như hồi năm 2008.

Bà Susan Rice, cố vấn an ninh Mỹ, trong chuyến công du đến Bắc Kinh tiết lộ: “Cùng lúc, chúng tôi vừa có thể trao đổi thẳng thắn về những bất đồng, vừa nhận thức rõ cần phải giải quyết hữu hiệu các vấn đề đó”.

Bà Rice nói thêm: “Chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình đến Mỹ là cơ hội quan trọng để hai nước tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác cũng như phối hợp để giải quyết những bất đồng trên tinh thần xây dựng”.

Việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vừa qua được coi như là sự đóng góp của Bắc Kinh vào nền kinh tế thế giới. Đó là sự tăng cường đầu tư vào nền kinh tế thực sự  chứ không phải là “công cụ tài chính vô bổ”.

Giới chức ngoại giao Trung Quốc còn cho biết hai nước sẽ duy trì trao đổi thông tin chặt chẽ trong “các vế đề như hạt nhân Iran và Triều Tiên”, vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như các vấn đề về “quyền và lợi ích khu vực”.

“Quyền và lợi ích khu vực” ám chỉ tới Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước Đông Nam Á và Nhật Bản có thể lại bị “mờ đi” nếu hai bên đạt được thỏa thuận về lợi ích, giống như Hội nghị Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 7 hồi tháng 6 vừa qua.

Đến vấn đề tỷ giá…

Theo giới quan sát, kể từ năm 2005 đến trước ngày 11/8, Trung Quốc chỉ điều chỉnh tỷ giá xuôi chiều, tăng tới 30% so với 40% mà Mỹ yêu cầu: “từng bước tăng giá đồng NDT khiến Mỹ ngày càng hài lòng”. Thế nhưng, vừa qua, lần đầu tiên Trung Quốc đã làm ngược lại là giảm giá đồng NDT.

Ngay trong Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 7 hồi tháng 6 Trung Quốc còn chưa đề cập đến vấn đề tỷ giá. Nhưng giờ đây Bắc Kinh lại đột ngột hạ giá đồng NDT, còn Mỹ vẫn kiên trì quan điểm là: “tỷ giá hiện 6,4 NDT ăn 1 USD vẫn chưa tương xứng giá trị thực tế của hai đồng tiền này”.

Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên những biến động trên thị trường Trung Quốc cũng có tác động đến nền kinh tế Mỹ, nhưng theo giới quan sát, chiều tác động của Trung Quốc đến Mỹ là không nhiều và nó càng không đủ để khiến kinh tế Mỹ phải lao đao.

Trong khi Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ chủ yếu là hàng dệt may và đa số hàng hoá đáp ứng nhu cầu bình dân, thì Trung Quốc lại nhập máy móc và hàng hóa công nghệ cao của Mỹ.

Nền kinh tế Trung Quốc có những dấu hiệu không bền vững, khiến giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ quan ngại rằng Bắc Kinh đang nắm giữ rất nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, trong trường hợp Trung Quốc bán tháo các trái phiếu này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho nước Mỹ.

Trung Quốc cho rằng họ sẽ tiếp tục cải cách cơ chế tỷ giá theo hướng “hối đoái lên xuống thế nào không phải do sức ép của nước ngoài mà căn cứ vào thực chất so sánh về giá trị đồng tiền”. Và mục tiêu của Trung Quốc là sự lên xuống của đồng tiền phải phù hợp với sự công bằng trong hối đoái và có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng, những biến động kinh tế tại Trung Quốc không tác động nhiều đến Mỹ. Vì GDP quý 2/2015 của Mỹ tăng 3,7%, cao hơn trước đó là 3,2%, nên việc nâng tỷ giá đồng NDT so với đồng USD, tuy là bất ngờ với Mỹ, nhưng không đến mức nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nền kinh Mỹ vừa trải qua cuộc đại khủng hoảng và sự phục hồi của nó chưa được chắc chắn. Khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rất khó khăn trong việc ra quyết định nâng lãi xuất, do quan ngại về nguy cơ tái khủng hoảng có thể xẩy ra.

Và hiệu ứng toàn cầu…

Theo giới phân tích, nếu như nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng sẽ tác động có tính toàn cầu, trong đó có Mỹ, vì Mỹ là nền kinh tế mở, lớn nhất thế giới và đồng USD có vị thế toàn cầu nên ảnh hưởng qua lại là không nhỏ.

Nếu kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng thì kinh tế châu Á cũng sẽ khủng hoảng theo và kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Các biến động ở Trung Quốc hiện nay được cho là chỉ tác động đến Mỹ ở lĩnh vực xuất khẩu, mà trực tiếp là các nhà sản xuất của Mỹ tại Trung Quốc.

Điều mà giới chức kinh tế quan ngại là: “cơn sốt hiện nay của Trung Quốc là cơn sốt chu kỳ, hay là cơn sốt thể hiện căn bệnh trầm kha, mà Bắc Kinh vẫn giấu kín lâu nay, về tỷ lệ tăng trưởng và tiềm lực kinh tế không phải như con số họ đã công bố. Nếu con số tăng trưởng vừa qua là dối trá thì hậu quả đối với kinh tế thế giới sẽ ở mức nghiêm trọng hơn”.

Với các động thái hạ giá đồng NDT, bơm tiền ổn định thị trường..., chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu nhưng vẫn cần giữ được độ ổn định và sự tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài để họ không rút vốn là điều khó khăn.

Do đó, theo giới chức Mỹ từ nay về sau, kể cả chuyến đi sắp tới của ông Tập Cận Bình sang Mỹ, lập trường của Mỹ vẫn là yêu cầu Trung Quốc phải đánh giá đúng giá trị thực chất của hai đồng tiền (NDT và USD).

Những biến động đang và sẽ diễn ra khó có thể tác động trực tiếp đến kinh tế Mỹ bởi Trung Quốc không phải là đầu tàu kinh tế mà chỉ là một nền kinh tế lớn. Có ý kiến cho rằng, giả sử có chuyện gì ở Trung Quốc thì cũng không thể nặng nề như vụ Lehman Brothers ở Mỹ hồi năm 2008”.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung - hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh, mọi sự bất thường về an ninh kinh tế đều tác động có tính toàn cầu. Vì thế, dư luận đang dõi theo những động thái thể hiện vị thế nước lớn và có trách nhiệm của hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 thế giới trong cuộc gặp cấp cao vào tháng 9 này.

Nguyễn Nhâm

 

Mỹ-Trung sẽ bàn gì trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình? - 2