Ông Tập Cận Bình lớn tiếng cảnh báo Mỹ về vấn đề Biển Đông
(Dân trí) - Tuy đã đạt được thỏa thuận trên nhiều vấn đề quan trọng, nhưng tại cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân hôm qua giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Mỹ và Trung Quốc vẫn bất đồng về một số vấn đề, trong đó có vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Bên lề Hội nghị nghị thượng đỉnh hạt nhân diễn ra tại Washington hôm qua 31/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, biến đổi khí hậu, an ninh hạt nhân.
Hai bên đã nhất trí thúc đấy đẩy hợp tác để đảm bảo an ninh hạt nhân toàn cầu cũng như vấn đề an ninh mạng. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tiếp tục đàm phán tiến tới một hiệp định đầu tư song phương.
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Mỹ và Trung Quốc nhất trí sẽ ký kết thỏa thuận chống biến đổi khí hậu vào ngày 22/4 tới - thời điểm thỏa thuận đạt được hồi cuối năm ngoái tại Paris bắt đầu có hiệu lực nếu nhận được chữ ký của 55 quốc gia.
Mặc dù cho rằng cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo là rất “tích cực”, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang cho biết, hai bên vẫn có bất đồng về một số vấn đề như sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập lớn tiếng nói rằng, Trung Quốc sẽ “cương quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông” và cho rằng các tranh chấp ở đây nên giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán trực tiếp của các bên tuyên bố chủ quyền.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập Cận Bình rằng, Bắc Kinh “tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do bay của các nước theo luật pháp quốc tế”. Trong một bình luận được cho là nhằm đề cập đến các hoạt động tuần tra trên biển và trên không của Mỹ ở khu vực Biển Đông, ông Tập lớn tiếng nói rằng Trung Quốc “sẽ không chấp nhận bất cứ vi phạm chủ quyền nào trên danh nghĩa tự do hàng hải”.
Ông Tập cũng lớn tiếng cảnh báo rằng, Washington nên “tuân thủ nghiêm ngặt” các cam kết không can dự vào vấn đề chủ quyền, ngược lại cần đóng vai trò tích cực để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng sẵn sàng hành động để đảm bảo tự do hàng hải ở đây. Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường các hoạt động tự do hàng hải thông qua các đợt tuần tra của tàu Hải quân ở Biển Đông. Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Work ngày 30/3 cũng khẳng định, Mỹ sẽ không công nhận bất kỳ vùng hạn chế đi lại nào trên Biển Đông, trong động thái được tin là “phủ đầu” ý đồ của Trung Quốc trong việc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Bắc Kinh cũng ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, bồi lấp trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Minh Phương
Tổng hợp