1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Tập Cận Bình "chĩa súng" chống tham nhũng vào quân đội

Không lâu sau khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tiến hành chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay vào cuối năm 2012, một phái đoàn quân sự phương Tây đã mời đoàn quân sự nước chủ nhà tới dùng bia và hamburger ở Great Leap Brewery - một hộp đêm khá nổi tiếng gần trung tâm ngoại giao tại Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình theo dõi một cuộc diễn tập của PLA ở Tân Cương (Ảnh: THX)
Ông Tập Cận Bình theo dõi một cuộc diễn tập của PLA ở Tân Cương (Ảnh: THX)

Theo hai người gần gũi với chuyến thăm này, các sĩ quan quân đội TQ (PLA) đã từ chối lời mời vì nơi này không có hầm ngầm để xe, họ không muốn đỗ xe của mình - mang biển số quân sự - ở khu vực bên ngoài quán.

Từ những sự tương tác tưởng như vô hại ấy, tới việc thanh trừng những vị trí cấp cao nhất, cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập đang làm rung chuyển cả PLA. Trong khi ông Mao Trạch Đông nổi tiếng với câu nói "chính trị từ họng súng mà ra" thì ông Tập Cận Bình giờ đây đã dám chĩa 'họng súng' chống tham nhũng vào quân đội.

Đêm 2/3, quân ủy trung ương TQ đã công khai danh tính 15 sĩ quan cấp cao đang bị điều tra tham nhũng. Cơ quan chống tham nhũng của quân ủy đã điều tra 5 sĩ quan từ tháng 9 đến tháng 11, trong khi số còn lại bị điều tra trong hai tháng đầu năm nay. Sau khi công khai một danh sách tương tự trong tháng 1, số quan chức cấp cao của PLA bị điều tra đã đạt tới ngưỡng ít nhất 30 người.

Việc tuyên bố trên diễn ra ngay trước thềm phiên họp quốc hội hàng năm của TQ. “Cuộc thanh trừng này cho thấy nỗ lực củng cố kiểm soát quân đội của ông Tập Cận Bình", Trương Lý Phương - nhà bình luận chính trị nói. “Câu thần chú đảng cầm quyền phải duy trì quyền kiểm soát tuyệt đối với PLA đã có từ gần nửa thế kỷ nay từ thời Mao, nhưng trong lịch sử có không ít lần PLA làm điều ngược lại".

PLA đã khôi phục trật tự vào lúc đảng cầm quyền TQ gần như mất sự kiểm soát đất nước trong Cách mạng Văn hóa, và bất ổn năm 1989.

Mạnh tay

Ông Tập Cận Bình có mối quan hệ khá tốt với quân đội. Ông từng là thư ký cho Bộ trưởng Quốc phòng vào đầu những năm 1980 lúc bắt đầu sự nghiệp chính trị.

“Là con một lão thành cách mạng, ông Tập hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của quân đội", nhà phân tích Trương nói. “Ông chỉ có thể cảm thấy an toàn khi hoàn toàn nắm sự kiểm soát với PLA".

Thậm chí, các cựu thành viên trong quân ủy cũng không được an toàn khỏi chiến dịch chống tham nhũng. Năm ngoái, ông Tập đã làm rúng động TQ khi cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị nước này là Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc tham nhũng. Việc bắt giữ Chu diễn ra ngay lúc một cựu chủ tịch quân ủy trung ương là Từ Tài Hậu cũng chịu số phận tương tự.

Báo chí TQ đưa tin, khi khám xét nhà ông Từ, các điều tra viên tìm thấy số lượng tiền bạc, tài sản quý tới mức cần một tuần để kiểm kê và 12 xe tải mới chở hết.

Không có quan chức nào cỡ như Từ bị sa lưới trong danh sách mới đưa ra. Nhưng người ta chú ý một người trong đó là Thiếu tướng Quách Chính Cương. Ông này là con trai của Quách Bá Hùng - nguyên phó chủ tịch quân ủy trung ương TQ. Giới phân tích cho rằng, việc bắt giữ một nhân vật xuất thân từ gia đình quân đội quyền lực như vậy là một ví dụ khác cho thấy ông Tập đã mạnh tay thế nào với PLA hơn hẳn những người tiền nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân.

“Vụ bắt giữ Quách gửi đi tín hiệu cảnh báo với mọi tướng trong PLA", Willy Lam, nhà nghiên cứu TQ tại Đại học TQ ở Hong Kong nói. "So với ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, ông Tập có hiệu quả hơn trong tấn công tham nhũng ở PLA".

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập một phần xuất phát từ lo ngại rằng, tham nhũng trong quân đội sẽ làm giảm hiệu quả, khả năng sẵn sàng chiến đấu của TQ nhất là trong bối cảnh nước này gia tăng sức mạnh trên biển. Tháng trước, nhà bình luận quân sự nổi tiếng TQ - Thiếu tướng Kun Lunyan viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu "Tham nhũng quân đội đang ở mức nguy hiểm chưa từng có" và cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu của TQ.

Theo Thái An (theo Financial Times)
Vietnamnet