1. Dòng sự kiện:
  2. Ông Trump bị ám sát hụt
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Macron: Mỹ và Đức phản đối mời Ukraine gia nhập NATO

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Mỹ và Đức là những thành viên trong NATO phản đối việc mời Ukraine gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Ông Macron: Mỹ và Đức phản đối mời Ukraine gia nhập NATO - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: UP).

Trả lời DPA trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, ông Macron cho biết đã có sự phản đối mạnh mẽ về việc mời Ukraine gia nhập NATO từ Mỹ và Đức.

"Cuối cùng thì các đồng minh sẽ là bên quyết định có mời Ukraine gia nhập NATO hay không", ông nói.

Ông Macron nhắc lại hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái ở Litva, nơi Kiev không được mời tham dự, bất chấp sự phàn nàn từ Ukraine.

"Người Ukraine khá không hài lòng khi cho rằng cánh cửa để họ vào NATO đã hé mở, nhưng không đủ rộng. Và tôi nghĩ kịch bản này sẽ lặp lại ở hội nghị thượng đỉnh Washington năm nay", ông Macron nói.

Cả Mỹ và Đức chưa bình luận về thông tin trên.

Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên của  liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt, họ thậm chí đưa điều này vào Hiến pháp. Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022, 7 tháng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và một số thành viên của liên minh đồng ý rằng một ngày nào đó Ukraine sẽ trở thành một phần của NATO, Kiev vẫn chưa được đưa ra một thời gian biểu cụ thể cho việc gia nhập. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bế tắc này là do cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa đến hồi kết.

Hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời Times rằng hòa bình ở Ukraine có nghĩa là sự đảm bảo rằng Nga sẽ không bao giờ có thể kiểm soát lãnh thổ của Kiev. Tuy nhiên, ông Biden cho rằng Ukraine không nhất thiết phải trở thành thành viên NATO thì mới có thể xảy ra kịch bản trên.

Ông nói thêm: "Điều đó có nghĩa là chúng tôi có mối quan hệ với họ giống như chúng tôi làm với các quốc gia khác, nơi chúng tôi cung cấp vũ khí để họ có thể tự vệ trong tương lai. Nhưng tôi chưa sẵn sàng ủng hộ việc NATO hóa Ukraine".

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi tháng 5 nhận định việc NATO kết nạp Ukraine vào khối có thể không xảy ra trong tương lai gần.

"Quý vị biết đó, quyết định này (chấp nhận Ukraine vào NATO) có thể không xảy ra trong tương lai gần. Thậm chí có thể không xảy ra trong 30 năm tới", ông Scholz nói.

Vào tháng 4, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO nếu cuộc xung đột với Nga chưa chấm dứt.

"Tôi tin rằng chúng tôi sẽ chỉ gia nhập NATO nếu chúng tôi giành chiến thắng. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ được kết nạp vào NATO khi còn chiến tranh", Tổng thống Zelensky nhận định.

Tổng thống Zelensky thừa nhận một số thành viên NATO không muốn kết nạp Ukraine trong bối cảnh xung đột vũ trang đang diễn ra vì "họ cảm thấy rủi ro, trong khi những thành viên khác chỉ đơn giản là hoài nghi".

"Vì vậy, để Ukraine được chấp nhận vào liên minh, chúng ta phải chiến thắng", ông Zelensky nói. Ông cho rằng tư cách thành viên NATO cuối cùng sẽ đảm bảo an ninh và độc lập của Ukraine.

Về phần mình, Nga cho rằng việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và sự hợp tác quân sự của khối này với Ukraine là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột. Moscow coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và khẳng định Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập.

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine