NATO nêu giải pháp đạt được hòa bình ở Ukraine
(Dân trí) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh đang tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Ukraine.
"Tôi hy vọng các đồng minh sẽ đồng ý rằng chúng ta phải duy trì sự hỗ trợ, hỗ trợ kinh tế cũng như quân sự của chúng ta, cho Ukraine theo cách đảm bảo rằng Ukraine chiếm ưu thế, rằng họ có thể phòng thủ trước hành động của Nga ngày nay và ngăn chặn điều đó trong tương lai", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 5/7, trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Washington (Mỹ), dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Theo ông Stoltenberg, để đạt được hòa bình ở Ukraine, các đồng minh phải tiếp tục cung cấp "sự hỗ trợ mạnh mẽ" cho Ukraine và tránh lặp lại thỏa thuận Minsk.
Người đứng đầu NATO cũng lên tiếng phản đối việc đạt được một giải pháp tạm thời để chấm dứt xung đột, trích dẫn các thỏa thuận Minsk 2014-2015 cuối cùng đã thất bại. Thỏa thuận này đưa ra một lộ trình nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở vùng Donbass của Ukraine vào thời điểm đó, tuy nhiên Nga nói rằng thỏa thuận này chưa bao giờ được Kiev thực hiện.
Ông Stoltenberg đổ lỗi cho Nga về sự thất bại của thỏa thuận Minsk, mặc dù cả phương Tây và các quan chức hàng đầu của Ukraine đều công khai thừa nhận toàn bộ thỏa thuận chỉ là một biện pháp để câu giờ và củng cố lực lượng vũ trang của Kiev.
"Phương Tây đồng ý với Minsk-2, chờ đợi 7 năm, sau đó Nga mở chiến dịch quân sự toàn diện và thậm chí còn giành được nhiều hơn. Chúng ta không thể có Minsk-3. Điều chúng ta cần bây giờ là điều gì đó thực sự đáng tin cậy, điều gì đó thực sự chấm dứt chiến tranh và Nga ngừng hành động", tổng thư ký NATO tuyên bố.
Khi được hỏi liệu NATO có ủng hộ Ukraine và bác bỏ áp lực buộc Kiev chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ và không phải là thành viên NATO như một điều kiện để ngừng bắn hay không, ông Stoltenberg nói: "Các nhà lãnh đạo NATO rất quyết đoán, mạnh mẽ và điều đó sẽ được thể hiện mạnh mẽ tại hội nghị thượng đỉnh NATO, nơi tôi mong đợi một gói hỗ trợ mạnh mẽ dành cho Ukraine".
Ông Stoltenberg cũng đề cập đến chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/7 và tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của chuyến thăm này.
"Hungary đã thông báo cho chúng tôi về chuyến thăm sắp tới này. Và tôi kỳ vọng rằng khi ông Victor Orban tới Washington tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới, sẽ có cơ hội để thảo luận và giải quyết các cuộc thảo luận mà ông ấy đã có ở Moscow. Đây là điều diễn ra thường xuyên giữa các đồng minh", ông nói.
Người đứng đầu NATO cũng tuyên bố Hungary, với tư cách là thành viên của khối, hoàn toàn đồng ý với lập trường của NATO rằng "Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến". Quan điểm này dường như mâu thuẫn với tuyên bố của Thủ tướng Orban và các quan chức hàng đầu khác của Hungary, những người đã nhiều lần cho rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm vì đã châm ngòi và kéo dài tình trạng xung đột.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt. Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022.
Kiev càng sốt sắng với mục tiêu này hơn sau khi xung đột với Nga nổ ra cách đây 2 năm. Tuy nhiên, đến nay, NATO chưa chấp nhận đơn xin gia nhập của Ukraine. Một mặt, liên minh này khẳng định chắc chắn sẽ kết nạp Kiev, nhưng mặt khác nêu rõ Kiev chưa thể trở thành thành viên khi vẫn còn xung đột.
Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra tại Washington (Mỹ) từ ngày 9/7 đến 11/7. Ngoài đại diện của các nước thành viên, ngoại trưởng của 35 quốc gia được coi là đối tác của NATO cũng được mời tham dự. Trong đó, đáng chú ý là ngoại trưởng các nước Israel, Ai Cập, Jordan, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp, không chỉ có lãnh đạo của 32 quốc gia thành viên NATO tham dự hội nghị thượng đỉnh mà còn có các quốc gia đối tác từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.