1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Kim Jong-un mừng sinh nhật khi cả thế giới bàn về Triều Tiên

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước sang tuổi 33 hôm nay (8/1) và đây chắc chắn là một sinh nhật đáng nhớ khi ông có nhiều điều để ăn mừng, nhưng điều quan trọng nhất là cả thế giới đang bàn luận về Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch.

 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: www.philly.com)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: www.philly.com)

Trong khi thế giới bị ám ảnh bởi từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS thì Triều Tiên gây chấn động chính trường thế giới bằng vụ thử mà Bình Nhưỡng tuyên bố là bom nhiệt hạch, một loại bom có sức công phá mạch hơn cả bom nguyên tử.

Dường như ngay lập tức chính phủ các nước đã đồng loạt lên án Triều Tiên về vụ thử hạt nhân hôm thứ Tư (6/1) bất luận đây là bom nhiệt hạch hay chỉ là một vụ thử hạt nhân thông thường như những lần trước đó. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngay lập tức phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về vấn đề Triều Tiên.

Tại Mỹ, các ứng cử viên tổng thống lưỡng đảng đã chỉ trích và lên án ông Kim Jong-un. Ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton gọi ông Kim là “kẻ khiêu khích”, theo tờ Washington Post.

Vụ thử cho thấy ông Kim Jong-un không muốn đùa chút nào. Ông Kim đã có quân bài chủ chốt trong tay và ông biết đích xác ông muốn gì và đi về đâu, Michael Madden, người lập ra trang web North Korea Leadership Watch (tạm dịch là Bám sát giới lãnh đạo Triều Tiên), nhận định.

Ông Madden còn chia sẻ thêm rằng: “Còn chưa đầy một tháng trước khi các cuộc bầu cử diễn ra tại bang Iowa (Mỹ), điều ông Kim muốn đó là Triều Tiên trở thành chủ đề hàng đầu của các cuộc tranh biện và thảo luận giữa các ứng cử viên tham gia tranh cử vào Nhà Trắng. Tất cả ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ đều phải nhắc tới Triều Tiên”.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích đang bị chia rẽ liệu vụ thử của Triều Tiên. Một số đặt câu hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu Bình Nhưỡng muốn trở lại đàm phán, bất chấp nhiều lần Bình Nhưỡng kêu gọi cộng đồng quốc tế thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân hay. Số khác thì cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng không muốn tham gia đàm phán.

Ken Gause, một chuyên gia hàng đầu của hãng nghiên cứu CNA trụ sở tại quận Arlington, bang Virginia (Mỹ), nhận định: “Triều Tiên muốn tuyên bố với người dân rằng: hoặc là Bình Nhưỡng theo đuổi con đường ngoại giao hoặc là phát triển vũ khí hạt nhân. Và rồi nhà lãnh đạo Kim Jong-un kết luận rằng chiến lược ngoại giao không cho thấy tiến triển và đã quyết định chú trọng vào vũ khí hạt nhân”.

Truyền thông Triều Tiên thì ngợi ca ông Kim là “nhà lãnh đạo vĩ đại”, người đưa ra quyết định cho vụ thử. “Nhà lãnh đạo tôn kính Kim Jong-un… đã ra lệnh tiến hành vụ thử quả bom nhiệt hạch đầu tiên”, truyền hình nhà nước Triều Tiên tuyên bố trong bản tin tuần này.

Thực tế, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn trở lại chính trường quốc tế và vụ thử hôm thứ Tư là nhằm cho mục tiêu quan trọng này. Ông Kim đang thể hiện là nhà lãnh đạo uy lực khi lãnh đạo Triều Tiên đối phó với các chính sách thù địch nước ngoài, trong đó có Mỹ, theo tờ Washington Post.

Sue Mi Terry, nguyên chuyên gia phân tích Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện đang làm cho công ty tư vấn Bower Group Asia, nhận định: “Triều Tiên rất rất chú trọng đế vấn đề thời điểm. Và đây là lúc cho thấy ông Kim là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có uy quyền và dựa trên luật pháp. Đặc biệt đây lại là dịp sinh nhật lần thứ 33”.

Một lý do lớn hơn nữa là ông Kim cần phô trương sức mạnh hạt nhân lúc này vì trong suốt gần 3 năm qua nước này không thử hạt nhân và đây là thời điểm kề cận việc tổ chức đại hội đảng Lao động Triều Tiên.

Cách đây một tuần, trong thông điệp năm mới, ông Kim phát hé lộ rằng đại hội đảng sắp tới sẽ công bố lộ trình đầy tham vọng nhằm đặt thắng lợi cuối cùng của cánh mạng Triều Tiên.

Đánh giá về bài phát biểu trên của ông Kim, một số nhà phân tích đồn đoán rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ sửa đổi điều lệ đảng, văn kiện quy định về tổ chức hệ thống chính trị Triều Tiên trong kỳ đại hội lần này và nêu bật chính sách 2 giai đoạn của ông Kim: đó là phát triển kinh tế đi đôi với chương trình hạt nhân.

Vũ Duy

Theo Washington Post