1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Biden "thừa kế" chiến lược đối phó Trung Quốc từ ông Trump

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ được "thừa kế" nhiều công cụ từ chính quyền tiền nhiệm để đàm phán với Trung Quốc sau khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Ông Biden thừa kế chiến lược đối phó Trung Quốc từ ông Trump - 1

Tổng thống đắc cử Joe Biden phát biểu tại Georgia ngày 15/12. (Ảnh: Reuters)

Theo Bloomberg, ông Joe Biden sẽ nhận nhiệm sở vào tháng tới với nhiều đòn bẩy hơn để đối phó với Trung Quốc. Ông có thể cảm ơn người tiền nhiệm Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì điều đó.

Ông Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống sau khi chính quyền Trump dành nhiều năm gây sức ép với Trung Quốc, bao gồm áp thuế đối với 370 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, yêu cầu Canada quản thúc tại gia giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, đe dọa các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ và chỉ trích Bắc Kinh vì để bùng phát dịch Covid-19.

Chiến dịch gây sức ép với Trung Quốc của Tổng thống Trump vẫn chưa dừng lại. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa hơn 60 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, hạn chế khả năng của các công ty này trong việc tiếp cận với công nghệ Mỹ nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia".

Những hành vi của Trung Quốc như khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông và tại những khu vực chiến lược như biên giới với Ấn Độ; hay sử dụng chiêu bài cưỡng ép kinh tế để chống lại các nước như Hàn Quốc và Australia… khiến nhiều quốc gia từng có ý định làm trung gian hòa giải căng thẳng Mỹ - Trung quay lưng lại với Bắc Kinh.

"Các đòn trừng phạt thương mại quy mô lớn của ông Trump nhằm vào Trung Quốc, cùng với đó là sự chỉ trích của các nước khác đối với chính sách ngoại giao địa chính trị hung hăng của Trung Quốc, sẽ trao cho chính quyền Biden đòn bẩy đáng kể khi bắt đầu tham gia vào các cuộc đối thoại song phương", Eswar Prasad, chuyên gia từng nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định.

"Các lệnh trừng phạt sẵn có cùng với động lực chính trị nội bộ tại Mỹ đã trao cho chính quyền Biden quân bài mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán", chuyên gia Prasad cho biết thêm.

Di sản của Tổng thống Donald Trump

Mặc dù cả ông Biden và nhiều thành viên đảng Dân chủ Mỹ từng tuyên bố phản đối chiến thuật được ông Trump sử dụng để gây sức ép với Trung Quốc, những công cụ ấy vẫn sẽ nằm trên bàn đàm phán khi chính quyền Biden đàm phán với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

"Tôi sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào ngay lập tức, và việc áp thuế quan vẫn giữ nguyên như vậy", ông Biden nói trong bài phỏng vấn được công bố hôm 2/12 với báo New York Times.

"Theo tôi, chiến lược phù hợp nhất với Trung Quốc là đưa từng đồng minh, hoặc ít nhất là những bên từng là đồng minh, đứng về phía chúng ta. Ưu tiên chủ yếu của tôi trong những tuần đầu của nhiệm kỳ tổng thống là cố gắng đưa chúng ta quay trở lại cùng quỹ đạo với các đồng minh", ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn.

Bất chấp những nghi ngờ của công chúng về chiến lược của Tổng thống Trump đối với Bắc Kinh, những quốc gia như Anh và Pháp đã nhất trí "đứng cùng chiến tuyến" với Mỹ để đối phó với những mối đe dọa từ các sản phẩm của Huawei trong mạng lưới 5G. Các cơ chế hợp tác phương Tây như liên minh tình báo "Ngũ Nhãn" hay khối NATO cũng hướng sự tập trung vào việc đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ủng hộ việc Mỹ tập hợp các quốc gia khác để đối phó với Bắc Kinh, nhưng họ cũng đánh tín hiệu về việc tìm kiếm triển vọng cải thiện quan hệ với Mỹ khi Nhà Trắng có chủ nhân mới vào năm sau.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trong bài phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ - Trung tái khởi động đối thoại và quay trở lại đúng quỹ đạo.

"Kỳ vọng của Trung Quốc đối với chính quyền Biden là tái khởi động quan hệ Mỹ - Trung nhằm gắn kết lại và cùng mang lại lợi ích", Gao Zhikai, nhà ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh.

Thách thức của chính quyền Biden

Ông Biden thừa kế chiến lược đối phó Trung Quốc từ ông Trump - 2

Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua)

Tuy vậy, thách thức đặt ra cho chính quyền Biden cũng rất lớn.

Uy tín toàn cầu của Mỹ đã bị tổn hại dưới thời Tổng thống Trump. Các đồng minh cũng không còn cảm thấy tin tưởng Mỹ về lâu dài. Trong khi ông Biden muốn hợp tác nhiều hơn với các đồng minh và tham gia vào các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, hiểu rằng không có gì đảm bảo ông Biden không bị thế chỗ bởi một nhà lãnh đạo tương tự ông Trump, hoặc thậm chí bởi chính ông Trump, trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2024.

Mặc dù các chiến thuật của ông Trump có thể khiến các quan chức tại Bắc Kinh nản lòng, nhưng chúng vẫn không thể khiến Trung Quốc thay đổi chính sách của nước này. Chính quyền Trung Quốc vẫn gia tăng nỗ lực kiểm soát Hong Kong và đẩy mạnh yêu sách ở Biển Đông cũng như các khu vực biên giới.

Ngay cả khi ông Biden thành công trong việc thay đổi nhận thức, con đường đàm phán với Trung Quốc có lẽ vẫn còn gập ghềnh và kéo dài, khi Tổng thống Trump chưa bao giờ đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc như ông từng cam kết lúc nhận nhiệm sở vào năm 2017.

Mặc dù ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình đã biết nhau hơn một thập niên, nhưng quan hệ Mỹ - Trung đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi ông Biden rời khỏi Nhà Trắng vào năm 2017 cùng với Tổng thống Barack Obama. Sức mạnh quân sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc khiến nước này tự tin trong việc phô diễn sức mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Một trong những rủi ro lớn nhất đặt ra với Joe Biden là việc ông bị xao nhãng bởi các vấn đề trong nước. Tổng thống đắc cử sẽ phải nỗ lực để vực dậy một nền kinh tế bị đình trệ, đồng thời đối phó với một cuộc khủng hoảng dịch bệnh ngày càng lan rộng, mặc dù vắc xin đã được phân phối.

Trừ khi ông Biden có thể thiết lập lại trật tự sau cuộc bầu cử phân cực nhất trong hơn một thập niên qua và lấy lại lòng tin của các đồng minh, Mỹ mới có thể có được lợi thế trước Trung Quốc.

"Vẫn có khả năng để chính quyền Biden tạo dựng đòn bẩy (với Trung Quốc), nhưng làm được điều đó còn phụ thuộc vào việc liệu ông Biden có thể xây dựng được sự đồng thuận nội bộ cũng như sự đồng lòng với các đồng minh và đối tác trong việc đối phó với Trung Quốc hay không", Ryan Hass, cựu quan chức phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.