1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Joe Biden được "hiến kế" đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Các cựu quan chức Mỹ nhấn mạnh vai trò của các liên minh, đặc biệt là Nhật Bản, trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới thời Joe Biden.

Ông Joe Biden được hiến kế đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc - 1

Ông Joe Biden phát biểu tại Delaware ngày 4/12. (Ảnh: Reuters)

Các nhà phân tích và các cựu quan chức Mỹ nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc phô diễn sức mạnh toàn cầu, liên minh Mỹ - Nhật là xuất phát điểm lý tưởng cho ông Joe Biden trong việc tái thiết các quy chuẩn quản trị, kỹ thuật, kinh tế chiến lược nhằm đối phó tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.

Mặc dù Mỹ chia sẻ mối quan tâm chung ngày càng lớn với châu Âu, Canada, Đông Nam Á và Australia trong việc kiềm chế tham vọng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, song không quốc gia nào có thể hỗ trợ Washington tốt hơn Nhật Bản. Tokyo càng đóng vai trò quan trọng hơn sau một loạt động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump như rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đối đầu với các đồng minh lâu năm của Mỹ hay né tránh hợp tác toàn cầu với chính sách "Nước Mỹ là trên hết".

"Khi Mỹ và Nhật Bản hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể định hình môi trường mà ở đó sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng. Liên minh của chúng ta không chỉ dừng lại ở an ninh, mà còn về công nghệ và hỗ trợ kinh tế, hay cơ sở hạ tầng để đối phó với Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. Vai trò lãnh đạo của Nhật Bản rất quan trọng", Joseph Nye, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và từng là hiệu trưởng Trường Chính sách Công John F. Kennedy của Đại học Harvard, nhận định.

Ông Joeseph Nye và Richard Armitage, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và hiện là chủ tịch hãng tư vấn Armitage International, ngày 7/12 đã có bài phát biểu tại một sự kiện của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khi CSIS công bố báo cáo về tác động của hợp tác liên minh Mỹ - Nhật ở khu vực Thái Bình Dương.

Báo cáo với tựa đề "Liên minh Mỹ - Nhật năm 2020: Liên minh bình đẳng với chương trình nghị sự toàn cầu" được công bố trong bối cảnh chính quyền Joe Biden được dự đoán sẽ đưa các quan hệ liên minh, các nhóm kinh tế và các tổ chức đa phương vào vị trí trung tâm trong chiến lược nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng cứng rắn. Theo Nikkei, báo cáo nhằm đưa ra các đề xuất cho ông Joe Biden và chính quyền mới của Mỹ.

"Tôi không tin rằng chính quyền Biden sẽ mềm mỏng với Trung Quốc. Một số người đang được đề cử vào các vị trí trợ lý bộ trưởng ở cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều là những tiếng nói cứng rắn nhất đối với Trung Quốc", ông Armitage nói.

Vai trò liên minh Mỹ - Nhật

Theo Zack Cooper, một thành viên của nhóm nghiên cứu góp phần xây dựng báo cáo và là nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, mặc dù đội ngũ của ông Joe Biden vẫn chưa hoạch định bất kỳ chiến lược liên minh nào, song một loạt các nhóm trong khu vực dường như đều phải tính đến vai trò của cả Mỹ và Nhật Bản. Giới phân tích cho rằng bất kỳ liên minh an ninh hiệu quả nào tại châu Á đều cần có sự tham gia của "Bộ Tứ" gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

"Có lẽ không có nhiều nước khác sẵn sàng thách thức Trung Quốc. Nếu nhìn vào những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt với Trung Quốc, trong một số trường hợp chỉ Mỹ và Nhật Bản mới có thể nhất trí với nhau về mọi mặt", ông Cooper nhận định.

Ông Cooper cho rằng thách thức của chính quyền Joe Biden là làm thế nào để tiếp tục duy trì đà hoạt động ở Bộ Tứ, trong khi vẫn đầu tư nhiều thời gian và năng lượng hơn vào một số mối quan hệ đang trở nên tồi tệ hơn so với trước đây, bao gồm quan hệ Mỹ - ASEAN và Mỹ - Hàn Quốc. Báo cáo của CSIS cũng kêu gọi chính quyền Joe Biden nhanh chóng thể hiện rằng họ sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo SCMP, báo cáo của CSIS cũng kêu gọi đưa thêm Nhật Bản vào Liên minh tình báo "Ngũ Nhãn" gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand. Báo cáo cho rằng Mỹ và Nhật Bản cần phải điều chỉnh chiến lược để giải quyết những thách thức đặt ra từ một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

"Cả hai nước đều phải chuẩn bị cho một trật tự khu vực và thế giới chịu nhiều áp lực hơn bất kỳ thời điểm nào trong 70 năm qua", báo cáo nêu rõ.

Các chuyên gia an ninh Nhật Bản nhận định, mặc dù nhiều nước kỳ vọng Mỹ sẽ tham gia nhiều hơn vào các hợp tác toàn cầu dưới thời ông Joe Biden, song tình hình bây giờ đã thay đổi và Mỹ có thể chia sẻ vai trò lãnh đạo với các nước khác trong việc thúc đẩy các liên minh và giám sát các sáng kiến chính sách.

"Do các hành động đơn phương của Trung Quốc, nhu cầu bảo đảm an ninh do Mỹ thực hiện ở châu Á ngày càng lớn hơn và rõ ràng hơn. Mỹ trước đây phải tự mình đảm nhiệm hai vai trò, nhưng bây giờ là lúc các đồng minh lớn của Mỹ như Nhật Bản cùng gánh vác những nhiệm vụ này", Satoru Mori, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hosei ở Tokyo, nhận định.

Theo giáo sư Toshihiro Nakayama tại Đại học Keio ở Tokyo và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản, "liên minh hoạt động hiệu quả là cách duy nhất để đối phó và đẩy lùi hành vi hung hăng của Trung Quốc".

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần duy trì sự cân bằng để tránh nguy cơ Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa. Điều này càng cần lưu ý hơn trong bối cảnh các nước châu Âu ngày càng lo ngại chiến thuật "chia để trị" của Trung Quốc ở khu vực đông và nam Âu, trong khi Australia, Canada đang phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Bắc Kinh, còn các nước tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường phải phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế.

"Đừng tìm cách cô lập hay kiềm chế Trung Quốc, mà tìm cách giải quyết một số lo ngại thực sự nhưng vẫn hợp tác với Trung Quốc", Matthew Goodman, cựu giám đốc kinh tế quốc tế tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.