1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Omicron lây lan nhanh chóng, thế giới vẫn chạy đua từng giờ để giải mã

Thanh Thành

(Dân trí) - Trong khi các nhà khoa học vẫn đang chạy đua để giải mã biến chủng Omicron và mối đe dọa của nó, có một sự thật rất rõ ràng: chủng mới này đang lây lan nhanh chóng tại bất cứ nơi đâu chúng xuất hiện.

 Omicron lây lan nhanh chóng, thế giới vẫn chạy đua từng giờ để giải mã - 1

Mọi người xếp hàng chờ được xét nghiệm Covid-19 ở Hạ Manhattan, New York, Mỹ (Ảnh: New York Times).

Theo New York Times, tại Nam Phi, Omicron lây lan nhanh gấp đôi so với chủng Delta. Ở Anh, các quan chức ước tính khoảng 200.000 người nhiễm Omicron mỗi ngày. Tại Đan Mạch, số ca nhiễm Omicron đang tăng gấp đôi chỉ sau khoảng 2 ngày.

Dữ liệu mới nhất từ Mỹ cho thấy tình hình cũng không khả quan hơn. "Sẽ không nơi đâu trên khắp nước Mỹ được an toàn trước Omicron", tiến sĩ Shweta Bansal, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Georgetown, cho biết.

Delta vẫn là biến chủng thống trị tại Mỹ và đang làm bùng nổ làn sóng bùng dịch ngay cả trước khi Omicron xuất hiện. Khoảng 120.000 ca mới mỗi ngày, tăng 40% so với hai tuần trước, mặc dù các số liệu vẫn thấp hơn mức đỉnh của mùa đông năm 2020. Nhưng Omicron có thể sớm vượt qua Delta. Trên toàn quốc, tỷ lệ các ca Omicron đã tăng lên 2,9% từ 0,4% chỉ trong một tuần, theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Vẫn chưa chắc chắn là hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào, vì vẫn còn nhiều điều chưa rõ về Omicron, bao gồm cả khả năng gây nhiễm nặng. Các nhà khoa học tin rằng, vaccine vẫn có khả năng bảo vệ người nhiễm khỏi những kết quả tồi tệ nhất. Bên cạnh đó, dữ liệu ban đầu cho thấy mũi tiêm bổ sung nhiều khả năng cung cấp thêm một lớp bảo vệ chống lại virus.

Ví dụ, có bằng chứng ban đầu rằng các tế bào T, có thể giúp ngăn ngừa nhiễm nặng. Và mũi tiêm tăng cường có khả năng bảo vệ bổ sung chống nhiễm nặng, dữ liệu sơ bộ cho thấy. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết Mỹ phải tăng tốc gấp đôi cuộc chiến chống virus.

Justin Lessler, nhà dịch tễ học tại Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill, cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta cần phải chuẩn bị cho khả năng Omicron có thể tồi tệ như bất kỳ đợt dịch nào trước đây mà chúng ta từng thấy. Chúng tôi cần phải suy nghĩ về kế hoạch sẽ hành động như thế nào nếu mọi thứ trở nên tồi tệ".

Ca nhiễm đột phá tăng mạnh

Nhiễm trùng đột phá là khá phổ biến. Tuần này, Đan Mạch ghi nhận 3/4 ca nhiễm Omicron xảy ra ở những người đã tiêm hai liều vaccine. Và một vụ bùng phát gần đây tại Đại học Cornell, nơi 97% dân số đã tiêm, có thể do Omicron.

Tiến sĩ Lessler nói: "Không có nghi ngờ gì khi chúng ta đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng nhanh và các ca nhiễm đột biến. Điều đó có nghĩa là nhóm người nguy cơ nhiễm bệnh lớn hơn nhiều so với trước đây".

Các chuyên gia cho biết, mức độ tiêm vaccine hiện khó có thể ngăn chặn được biến chủng này. Ở Đan Mạch, nơi Omicron đang lây lan nhanh chóng, 77% dân số được tiêm đầy đủ. Điều đó cho thấy, Mỹ, nơi 61% người dân đã tiêm đầy đủ, nên chuẩn bị cho một làn sóng ca nhiễm tương tự.

Joshua Salomon, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, cho biết: "Không có bằng chứng gì cho đến nay mang lại bất kỳ sự đảm bảo nào rằng, làn sóng dịch sẽ không bùng nổ tương tự ở Mỹ".

Câu hỏi đặt ra là sự lây lan nhanh chóng của Omicron sẽ khiến nguy cơ nhập viện và tử vong như thế nào. "Câu hỏi khó thách thức nhất hiện nay là về mức độ nghiêm trọng của chủng mới này", tiến sĩ Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Y tế, Đại học Washington, nói.

Các bằng chứng ban đầu tại Nam Phi làm dấy lên hy vọng biến chủng Omicron sẽ có độc lực yếu hơn chủng Delta. Một báo cáo từ Nam Phi cho thấy các bệnh nhân Covid-19 đang phải điều trị ít phải sử dụng máy thở oxy hơn các làn sóng dịch trước. Nhưng vẫn còn quá sớm và dữ liệu quá nhỏ để đưa ra kết luận rộng rãi về mức độ nghiêm trọng của Omicron, đặc biệt là vì các ca nhập viện và tử vong thường trễ hơn vài tuần sau nhiễm trùng. "Tôi vẫn chưa coi đó là một tin tốt lành", tiến sĩ Bansal nói.

Theo tiến sĩ này, tình hình tại Mỹ và Nam Phi cũng có sự khác biệt. Dân số Mỹ già hơn và có chiến lược tiêm chủng và làn sóng lây nhiễm trước đó khác với dân số Nam Phi. "Dù các triệu chứng hiện nay ở nhiều người là nhẹ nhưng không có nghĩa là sẽ nhẹ ở tất cả mọi người", bà nói.

Nếu Omicron lây lan nhanh chóng và làm bùng nổ dịch, hệ thống y tế sẽ bị áp đảo trong khi đã phải vật lộn khó khăn với biến chủng Delta. Bà Maimuna Majumder, nhà dịch tễ học tính toán tại Bệnh viện Nhi Boston, cho biết: "Ở Mỹ, đặc biệt là ở một số vùng của nước này, các phòng cấp cứu của chúng tôi đã sẵn sàng". Nhưng bà cảnh báo về việc nhiều bệnh viện mất lượng lớn nhân viên và nếu biến chủng Omicron diễn biến phức tạp và buộc nhiều nhân viên y tế phải tự cách ly tại nhà, sự thiếu hụt này sẽ khiến mọi việc càng trầm trọng hơn.

 Omicron lây lan nhanh chóng, thế giới vẫn chạy đua từng giờ để giải mã - 2

Có nhiều lo ngại bùng dịch khi mùa đông khắc nghiệt đang đến gần (Ảnh: Getty).

Câu hỏi khó với giới khoa học

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về Omicron và nhiều xu hướng có thể xảy ra trong những tuần và tháng tới.

Có một số dự đoán, sau khi tăng mạnh ban đầu, các ca nhiễm Omicron mới có xu hướng lây lan chậm lại ở tỉnh Gauteng, tâm chấn của đợt bùng phát mới nhất ở Nam Phi. Ridhwaan Suliman, nhà toán học và nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Nam Phi cho biết: "Tốc độ gia tăng đã chậm lại".

Tuy nhiên, ông Suliman vẫn thận trọng trong việc đưa ra kết luận cuối cùng, đặc biệt là sau sự cố máy tính và báo cáo tồn đọng vào tuần trước tạo suy nghĩ rằng các vụ việc đang giảm dần. Ông nói cần có dữ liệu trong vài ngày để xác định xem liệu đường cong dịch bệnh có quay đầu hay không và cảnh báo, xu hướng dịch có thể khác ở các tỉnh khác, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn Gauteng.

Các chuyên gia cho biết, tin tốt là Mỹ có đủ nguồn lực để chống lại biến chủng mới. Việc xét nghiệm vẫn hiệu quả đối với Omicron. Vaccine hiện đã được phổ biến rộng rãi và có thể giảm bớt gánh nặng bệnh tật. Thuốc kháng virus được cho là sẽ có hiệu quả chống lại Omicron, có thể sẽ sớm ra mắt, mặc dù nguồn cung lúc đầu sẽ rất hạn chế. Tiến sĩ Majumder cho biết: "Hiện có nhiều công cụ chống dịch hơn so với đợt dịch vào dịp lễ năm ngoái".

Các chuyên gia cho biết, những người chưa tiêm vaccine và những người đủ điều kiện tiêm tăng cường nên đi tiêm. Quy định đeo khẩu trang, kiểm tra và giữ khoảng cách khi tụ tập đông đúc trong nhà, cũng có thể giúp làm chậm sự lây lan.

Nhưng ngoài những hành vi cá nhân này, các quan chức vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa, các chuyên gia cho biết. Ví dụ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tập trung nhiều vào việc thúc đẩy tiêm đầy đủ và cả tiêm liều tăng cường, vốn vẫn là những công cụ y tế công cộng quan trọng. Tuy nhiên, khi đối mặt với một kẻ thù như Omicron, tất cả vẫn chưa đủ, các chuyên gia cảnh báo.

"Tôi cho rằng chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng làn sóng dịch lần này sẽ tệ không kém các đợt dịch trước", giáo sư Justin Lessler, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Bắc Carolina, nói. "Chúng ta cần nghĩ đến kế hoạch đối phó nếu tình hình xấu đi".

Các chuyên gia kêu gọi các quan chức cải thiện năng lực xét nghiệm, phân phối khẩu trang chất lượng cao, thúc đẩy cải thiện hệ thống thông gió và ban hành hướng dẫn rõ ràng hơn về những hoạt động nào là an toàn và trong những trường hợp nào.

Chính quyền địa phương, trường học và người sử dụng lao động cũng cần bắt đầu lập kế hoạch và công khai những kế hoạch sẽ làm gì trong trường hợp bùng phát dịch quy mô lớn hoặc nếu các ca bệnh hoặc số ca nhập viện tăng đến một mức độ nhất định, các chuyên gia lưu ý.