1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Odessa trúng tên lửa, lãnh đạo châu Âu vội vã tìm nơi trú ẩn

Minh Phương

(Dân trí) - Thành phố Odessa của Ukraine liên tiếp bị tấn công tên lửa ngày 9/5 khi lãnh đạo cấp cao của châu Âu có chuyến thăm bất ngờ tới đây.

Odessa trúng tên lửa, lãnh đạo châu Âu vội vã tìm nơi trú ẩn - 1

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) gặp Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal hôm 9/5 tại thành phố Odessa (Ảnh: Twitter).

AFP dẫn lời một quan chức giấu tên của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, vụ tấn công tên lửa xảy ra khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đang hội đàm với Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal ở thành phố cảng Odessa, miền Nam Ukraine.

"Khi cuộc họp đang diễn ra, những người tham gia phải dừng cuộc họp để đi trú ẩn khi tên lửa lại tấn công vào khu vực Odessa", quan chức trên cho hay.

Theo lời ông Serhiy Bratchuk, người phát ngôn chính quyền khu vực Odessa, nói rằng thành phố này đã bị tấn công bởi ít nhất 4 tên lửa phóng từ bán đảo Crimea.

Gần đây, Odessa liên tiếp trở thành mục tiêu tấn công tên lửa của Nga trong bối cảnh Moscow tăng cường các hoạt động quân sự ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Nếu kiểm soát hoàn toàn Donbass và Odessa, Nga có thể lập một hành lang đường bộ nối liền với bán đảo Crimea, chặn khả năng tiếp cận của Ukraine với các tuyến đường biển.

Trong cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị EU hỗ trợ giải vây cho các cảng biển của Ukraine. Hai bên đã thảo luận về "tầm quan trọng của việc lập tức áp dụng các biện pháp nhằm phá vòng phong tỏa các cảng biển Ukraine để phục vụ hoạt động xuất khẩu nông sản".

Việc Nga phong tỏa quyền tiếp cận của Ukraine với các cảng ở Biển Đen đã buộc các nhà xuất khẩu của Ukraine tìm kiếm các phương thức vận chuyển thay thế như tàu hỏa, xe tải để đưa các lô hàng đến Romania.

Trong chuyến thăm hôm nay, ông Michel đã được tham quan quanh khu vực cảng, tận mắt chứng kiến tác động của cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine đến chuỗi cung toàn cầu.

Trước chiến sự nổ ra, Ukraine xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng thông qua các cảng biển, chiếm khoảng 12% tổng lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 15% lượng ngô và 50% dầu hướng dương. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột, năng lực xuất khẩu của Ukraine đã giảm đáng kể do hạ tầng giao thông bị phá hủy, cảng Odessa bị phong tỏa.

Theo ước tính của giới chức Ukraine, xung đột khiến nước này thiệt hại khoảng 600 tỷ USD. Để tái thiết kinh tế hậu xung đột, Ukraine có thể phải cần 4 - 5 tỷ USD mỗi tháng.

Những ngày gần đây, nhiều quan chức cấp cao của châu Âu đã tới Ukraine trong các chuyến thăm không báo trước. Những chuyến thăm này nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay với Nga cũng như trong các kế hoạch tái thiết sau này.

Phát biểu nhân chuyến thăm Odessa, ông Michel khẳng định lại sự ủng hộ tối đa của EU dành cho Ukraine và rằng EU sẵn sàng cung cấp cho Kiev trang thiết bị nhiều nhất có thể.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi quốc hội nước này nhanh chóng phê duyệt gói viện trợ mới trị giá 33 tỷ USD cho Ukraine khi gói viện trợ hiện tại sắp cạn kiệt. Trong số này, 20 tỷ USD được đề xuất cho viện trợ quân sự.

Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 với tuyên bố "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine. Sau hơn hai tháng, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 9/5 khẳng định, chiến dịch chắc chắn sẽ đạt mọi mục tiêu đề ra.

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine