Nước nào cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga?
(Dân trí) - Các nước cả trong và ngoài khối NATO hiện vẫn đưa ra những quan điểm khác nhau về việc ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga.
Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev sẽ không dùng vũ khí viện trợ để tấn công mục tiêu bên ngoài biên giới, thay vào đó, chỉ sử dụng vũ khí nội địa. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, giới chức Ukraine liên tục gây sức ép với các đối tác, hối thúc họ cho phép Kiev tập kích mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các thành viên của khối, những nước đang cung cấp vũ khí cho Ukraine, ngừng cấm Kiev sử dụng những vũ khí này để tấn công lãnh thổ Nga.
Quan điểm của ông Stoltenberg đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics. Nhà lãnh đạo Latvia tuyên bố ông thấy không có lý do gì để áp đặt những hạn chế như vậy đối với Ukraine.
Thủ tướng Séc Petr Fiala tuyên bố Ukraine có quyền sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công Nga, cho rằng điều đó là "hợp lý".
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết ông hy vọng mọi quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ cho phép Kiev tấn công Nga bằng vũ khí này.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kasja Ollongren nói rằng việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga thậm chí không phải là vấn đề cần bàn cãi.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tuyên bố nước này đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí do Stockholm viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Anh cũng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ, bao gồm các tên lửa tầm xa, để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng nhất trí quan điểm rằng Ukraine có thể được phép tập kích các mục tiêu quân sự nhất định bên trong lãnh thổ Nga, nơi Moscow dùng để phóng tên lửa vào Ukraine.
Ngoài các quốc gia ủng hộ, một số nước không đồng tình với việc cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo khẳng định tất cả trang thiết bị quân sự mà nước ông cung cấp cho Kiev chỉ được sử dụng trên lãnh thổ Ukraine.
Phó Thủ tướng Italy Antonio Tajani cũng lập luận rằng vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev nên được sử dụng trong biên giới của Ukraine.
Hiện một số quốc gia vẫn chưa đưa ra lập trường thống nhất về vấn đề này.
Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner nói rằng nước này "trung lập về mặt quân sự theo hiến pháp".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, ngoại trưởng các nước thành viên EU đã thảo luận về việc dỡ bỏ các hạn chế ngăn chặn Ukraine sử dụng vũ khí do NATO cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Kiev "sẽ phải tự đưa ra quyết định" về việc tiến hành các cuộc tấn công ngoài biên giới Ukraine, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức cấm sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp như tên lửa ATACMS để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, một nhóm nghị sĩ Mỹ gần đây kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga. Các nghị sĩ cho rằng, Ukraine không thể tự vệ một cách hiệu quả do chính sách thận trọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Báo Bild (Đức) dẫn các nguồn tin cho biết, Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) ít nhất một lần đã sử dụng hệ thống phòng không Patriot của Mỹ do Đức cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Vụ việc đã gây ra phản ứng gay gắt từ Berlin và Washington, khi hai nước dọa sẽ ngừng cung cấp tên lửa phòng không cho Kiev nếu lặp lại hành động này.