Nước đi mạo hiểm của Ukraine liên quan tới phi đội F-16
(Dân trí) - Động thái mới nhất của Ukraine nhằm giải cơn khát phi công tiêm kích F-16 làm dấy lên lo ngại về hiệu quả trong tương lai.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Thiếu tướng Serhiy Melnyk, chia sẻ với tạp chí ArmyInform rằng chương trình đào tạo phi công F-16 đã bị cắt giảm đáng kể. Theo đó, Ukraine sẽ rút ngắn chương trình đào tạo 3 tháng để đẩy nhanh tốc độ đưa các phi công vào chiến đấu.
Ông Melnyk cho biết Ukraine sẽ có một chương trình đào tạo mở rộng và tăng tốc dành cho các học viên phi công Ukraine, nhằm tăng số lượng và chuẩn bị tốt hơn cho họ khi chuyển sang đào tạo máy bay chiến đấu phản lực.
Ông nói: "Chương trình đào tạo cơ bản cần được tối ưu hóa. Điều này sẽ cho phép chúng tôi đào tạo thêm nhiều phi công để bảo vệ đất nước. Không quân Ukraine cuối cùng phải giành được ưu thế trên không, vì điều này mở đường cho sự thành công của các hành động trên chiến trường".
Tuy nhiên, thay đổi đề xuất hiện nay đã làm dấy lên lo ngại từ các nhà phân tích quân sự rằng việc cắt giảm chương trình đào tạo phi công máy bay chiến đấu có thể mang lại những hệ quả tiêu cực, vượt xa lợi ích của việc nhanh chóng huấn luyện phi công.
Mặc dù ông Melnyk mô tả những cải cách này theo hướng tích cực, nhưng thông báo về việc rút ngắn chương trình đào tạo đã khiến nhiều người lo ngại rằng sẽ tạo ra các phi công chưa được chuẩn bị đầy đủ.
Một trong những mối lo ngại lớn từ ban đầu là rào cản ngôn ngữ. Nhiều ứng viên phi công Ukraine gặp khó khăn trong việc đạt trình độ tiếng Anh đủ tốt để tiếp thu đầy đủ các chi tiết phức tạp của hệ thống máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư này.
Việc chuyển giao lô F-16 thứ hai từ Đan Mạch vào ngày 7/12/2024 được xem là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt phi công có kỹ năng và trình độ ngôn ngữ phù hợp đã gây trở ngại cho quá trình đào tạo.
Nhiều chuyên gia cảm thấy rằng việc đẩy nhanh quá trình này một cách không cần thiết có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của phi công cũng như việc sử dụng F-16 trong thực tế chiến đấu.
F-16 là một vũ khí đáng gờm với khả năng đa nhiệm, cơ động tốt, tốc độ tối đa gần 1.900km/h, cho phép thực hiện các nhiệm vụ không đối không, tấn công mặt đất và trinh sát. Máy bay này tích hợp các hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, bao gồm radar giúp xác định mục tiêu và nâng cao nhận thức tình huống.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Ukraine xác nhận họ bị mất chiếc tiêm kích F-16 đầu tiên. Chiếc máy bay gặp nạn ngay trong lần đầu tham chiến. Khi đó, Nga cho rằng việc Ukraine mất tiêm kích và cả phi công là do họ đào tạo không đầy đủ.
Phi công tiêm kích được xem là tài sản quý của quân đội bất kỳ nước nào vì thường mất rất nhiều kinh phí và công sức để huấn luyện ra một người có khả năng và kinh nghiệm chiến đấu. Việc rút ngắn thời gian đào tạo có thể là nước đi mạo hiểm của Ukraine dù họ đang đối mặt với tình trạng thiếu phi công điều khiển tiêm kích F-16.