F-16 Ukraine bị bắn hạ: Danh tiếng lẫy lừng ở Trung Đông chưa tái hiện
(Dân trí) - Mặc dù chiến đấu cơ F-16 đã phát huy tốt tính năng kỹ chiến thuật trong lực lượng không quân Israel ở Trung Đông, nhưng vì sao chúng lại khá lặng thầm trên chiến trường Ukraine?
Nghi vấn F-16 của Ukraine bị phòng không Nga bắn hạ
Ngày 26/12, quan chức Nga Vladimir Rogov cho biết, 1 chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon (Chim ưng chiến) của Ukraine đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ ở đông bắc Zaporizhia, miền Nam Ukraine. Nó nằm trong đội hình chiến đấu rất lớn của không quân Ukraine, với khoảng 12 máy bay, được cho là tham gia vào cuộc tấn công bằng tên lửa, vào khu vực Zaporizhia do Nga kiểm soát.
Trang Topwar của Nga cho biết, đây có thể là chiếc F-16 đầu tiên bị bắn hạ trong chiến đấu. Xét về mặt kỹ thuật, không có gì ngạc nhiên khi quân đội Nga bắn rơi F-16. Lý do rất đơn giản.
Thứ nhất, những chiếc "Chim ưng chiến" do Đan Mạch và Hà Lan hỗ trợ đã khá cũ và đều là máy bay đến hạn phải loại khỏi biên chế chiến đấu.
Thứ hai, chúng không có khả năng tàng hình và các hệ thống phòng không S-300, S-400 hay tên lửa không đối không của Nga đều có thể bắn hạ.
Trước đó, Kiev đã sốt sắng xin Mỹ và các đồng minh viện trợ chiến đấu cơ F-16, coi đó là vũ khí "thay đổi cục diện chiến trường" bất chấp sự phản ứng quyết liệt của Moscow. Tuy nhiên cuối cùng Washington cũng "gật đầu", đồng ý để Đan Mạch và Hà Lan viện trợ số máy bay đã loại khỏi biên chế của họ cho Ukraine.
Kiev từng đặt nhiều hy vọng vào việc tiếp nhận F-16 do Mỹ sản xuất, nhưng cho đến nay qua một năm, vẫn chưa có sự tham gia tích cực nào của chúng vào hoạt động chiến đấu.
Một điều dễ nhận ra là hiếm khi thấy "Chim ưng chiến" của Ukaine chủ động tấn công, thay vào đó nó thường nằm ở sân bay trong các hầm chứa kiên cố và không dám tiến sâu vào mặt trận Donbass. Đến nay, chưa có trận không chiến nào được ghi nhận giữa F-16 và máy bay chiến đấu Nga.
Nếu đúng F-16 bị bắn hạ ở Zaporizhia, thì đây đã là chiếc thứ 3 của quân đội Ukraine bị phá hủy. Chiếc đầu tiên bị phá hủy tại sân bay bởi tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga, chiếc thứ hai rơi nghi do bị chính tên lửa phòng không Patriot của Ukraine bắn nhầm, khiến phi công thiệt mạng. Trên thực tế cho đến nay, "Chim ưng chiến" chưa đạt được kết quả gì đáng kể.
Mặt khác, không quân Nga dù số lượng xuất kích của Su-30 và Su-35 giảm, nhưng tiêm kích bom Su-34 vẫn thường xuyên tấn công các lực lượng mặt đất của đối phương, khiến cho quân đội Ukraine bị thương vong đáng kể. Hiện nay, ngoài những tổ hợp Patriot, có thể đe dọa những chiếc Su-34 này, thì các vũ khí phòng không khác của Ukraine hầu như bất lực, kể cả F-16.
Vì sao càn quét khắp Trung Đông nhưng F-16 lại yên ắng ở Ukraine?
Có 3 lý do chính dẫn đến điều này:
Thứ nhất, không quân Ukraine thiếu trầm trọng các phi công lành nghề và kinh nghiệm. Việc điều khiển F-16 rất phức tạp, người lái không chỉ điều khiển máy bay cất hạ cánh và cơ động, mà phải có kỹ năng chiến đấu, hiệp đồng. Muốn vậy cần phải luyện tập rất nhiều.
Hiện nay, có tin cho rằng không quân Ukraine chủ yếu áp dụng phương pháp huấn luyện "cũ và mới", có nghĩa là các phi công NATO đã nghỉ hưu được Kiev tuyển dụng để bay kèm những phi công Ukraine mới vào nghề, đầu tiên ở khu vực xa phía sau chiến tuyến, để đánh chặn tên lửa hành trình và UAV tự sát tầm xa của Nga.
Mục đích chính là để huấn luyện phi công Ukraine nâng cao khả năng chiến đấu thực tế. Sau đó, F-16 được đưa vào tuần tra ở miền đông Ukraine, dần dần tiếp cận chiến tuyến, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào chiến trường trên diện rộng. Hiện tại, máy bay chiến đấu chủ lực của không quân nước này vẫn là MiG-29.
Thứ hai, F-16 Ukraine thiếu vũ khí tấn công tầm xa tiên tiến. Vũ khí cốt lõi của chúng là tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 nhưng lại phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Mỹ. Mặc dù Kiev đã nhận được máy bay nhưng dường như loại tên lửa không đối không nói trên vẫn chưa được chuyển giao với số lượng lớn, dẫn tới hạn chế nghiêm trọng khả năng chiến đấu trên không.
Thứ ba, mỗi chuyến xuất kích của F-16, đều cần có một đội nhân viên kỹ thuật mặt đất hoàn chỉnh để hỗ trợ bảo trì, vận hành. Tuy nhiên, hệ thống bảo đảm kỹ thuật của không quân Ukraine còn thiếu, hiện vẫn là di sản của Liên Xô và cần sự chuyển đổi quy mô lớn, để hỗ trợ các hoạt động tần suất cao của dòng chiến đấu cơ mới.
Thiếu phi công, thiếu vũ khí tấn công tầm xa, thiếu bảo đảm kỹ thuật đồng nghĩa với việc F-16 Ukraine chưa dám tiến sâu vào chiến tuyến miền Đông và chỉ có thể đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ, đánh chặn ở phía sau. Hơn nữa, quân đội Nga đã triển khai máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 ở Donbass, ngay cả trong không chiến, F-16 cũng gặp bất lợi hoàn toàn trước dòng tiêm kích thế hệ 5 mới nhất của Nga.
Trước mạng lưới phòng không dày đặc của đối phương, F-16 khó có thể trở thành lực lượng tấn công chủ lực. Ukraine cũng không có máy bay tác chiến điện tử và không thể cung cấp vỏ bọc bảo vệ điện từ cho số máy bay của mình chiến đấu.
Khác với các vấn đề nêu trên không quân Ukraine, không quân Israel hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để có thể tấn công hàng ngàn km và ném bom Iran và Houthi mà không thiệt hại gì. Điều quan trọng là Israel có máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng và đã giành được quyền kiểm soát điện từ gần như tuyệt đối.
Về tác chiến trên không, không quân Ukraine vẫn ở thế bất lợi, F-16 không thể ngăn cản bước tiến của quân đội Nga.
Nói tóm lại, những hy vọng cao độ về F-16 của giới tướng lĩnh Ukraine vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng điều này hoàn toàn không liên quan đến đặc tính hoạt động rất tốt của loại chiến đấu cơ này mà chỉ liên quan đến máy bay cũng như trình độ của đội ngũ phi công.
Chắc chắn không quân Ukraine sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng hoàn chỉnh căn cứ hậu cần, kỹ thuật cũng như tích lũy số lượng "chim ưng chiến" cần thiết, đủ gây sức ép với Nga.
Đội bay F-16 của Ukraine với số lượng khoảng từ 10-20 chiếc có khả năng gây ít nhiều tổn thất cho quân đội Nga nhưng sẽ không thể làm thay đổi cục diện chiến trường, như tính toán trước đó của lãnh đạo Kiev.