(Dân trí) - Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tới Trung Đông sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về chính sách của Mỹ tới khu vực này sau giai đoạn "thăng trầm" của chính quyền tiền nhiệm.
NƯỚC ĐI CỦA TỔNG THỐNG JOE BIDEN TRÊN "BÀN CỜ" TRUNG ĐÔNG
Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tới Trung Đông sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về chính sách của Mỹ tới khu vực này, sau giai đoạn "thăng trầm" của chính quyền tiền nhiệm.
Tổng thống Joe Biden đang có chuyến công du tới một số khu vực ở Trung Đông bao gồm Israel, Bờ Tây và Ả rập Xê út từ ngày 13-16/7 để củng cố quan hệ với đồng minh và thảo luận những vấn đề nổi bật tại khu vực.
Trong bối cảnh vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông ngày càng suy giảm do các đối thủ tăng cường ảnh hưởng, gây khó khăn cho các chính sách can dự của Mỹ đối với khu vực, chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của Tổng thống Biden từ khi nhậm chức đến nay không chỉ là chuyến thăm xã giao thông thường mà còn mang thông điệp to lớn: Mỹ phải làm sao để hài hòa được các lợi ích của mình với các quốc gia Trung Đông cũng như mối quan hệ hết sức phức tạp giữa các quốc gia trong khu vực này với nhau. Chuyến thăm được đánh giá sẽ giúp Mỹ truyền đi thông điệp về việc luôn giữ vững các cam kết với khu vực, đồng thời thể hiện quyết tâm lấy lại ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này như trước đây.
Ông Natan Sachs, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings, nhận định Mỹ đang trong quá trình kéo dài nhiều năm để giảm bớt sự can dự vào Trung Đông. Tuy nhiên, Washington vẫn duy trì hiện diện quân sự lớn và đầu tư nhiều nguồn lực trong khu vực, do vậy họ đang tìm cách hợp tác rộng rãi hơn với các nước trong khu vực về các vấn đề an ninh.
Chuyến thăm Trung Đông đầu tiên trên cương vị tổng thống
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông của ông Joe Biden là Israel. Ông Biden có lịch trình gặp Tổng thống Isaac Herzog, Thủ tướng Naftali Bennett, Ngoại trưởng Yair Lapid và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz.
Ông Biden đã đến thăm đài tưởng niệm Yad Vashem Holocaust và Đông Jerusalem, thăm một hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ tài trợ ở Israel để làm nổi bật những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đảm bảo thêm 1 tỷ USD tài trợ cho việc bổ sung pin hệ thống phòng thủ Mái vòm Sắt sau cuộc chiến tranh Gaza vào tháng 5/2021.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, trọng tâm của chuyến thăm sẽ là "sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Israel vào khu vực" thông qua Hiệp định Abraham (do Mỹ làm trung gian dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump) và quan hệ với Jordan và Ai Cập.
Đáng chú ý, tại chặng dừng chân đầu tiên này, ngày 14/7, Mỹ đã cùng Israel, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm đối thoại I2U2 theo hình thức trực tuyến. Nhóm I2U2 được coi như một phần trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tái kích hoạt và hồi sinh các liên minh của Mỹ.
Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Ned Price cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị I2U2, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Israel Naftali Bennet và Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan sẽ thảo luận về vấn đề an ninh cũng như hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horn cho biết, nhóm I2U2 được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lần đầu giới thiệu trong cuộc họp cấp ngoại trưởng hồi tháng 10 năm ngoái. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sắp tới của I2U2 là sự tiếp nối của "điểm chạm ban đầu đó". I2U2 sẽ tập trung vào việc mở rộng hợp tác tại Trung Đông và châu Á, bao gồm hợp tác về thương mại, chống biến đổi khí hậu, năng lượng và các lợi ích chung quan trọng khác.
Điểm dừng chân thứ hai của ông Biden trong chuyến công du là tại Bờ Tây để gặp các lãnh đạo Palestine nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với giải pháp "hai nhà nước" cho cuộc xung đột Israel - Palestine, với các biện pháp bình đẳng về an ninh, tự do và tạo cơ hội cho người dân Palestine. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, giải pháp này có phần phai mờ.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến công du là Ả rập Xê út. Ông Biden sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh cùng với Ai Cập, Iraq và Jordan (GCC + 3) để thúc đẩy các lợi ích an ninh, kinh tế và ngoại giao của Mỹ. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về cách thức để mở rộng hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực, bao gồm các sáng kiến cơ sở hạ tầng và khí hậu mới đầy hứa hẹn, ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran và đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu.
Đáng chú ý, ông Biden sẽ gặp Thái tử Ả rập Xê út Mohammad bin Salman. Quyết định này cho thấy sự đảo ngược hoàn toàn chủ trương của ông Biden hồi mới nhậm chức tổng thống về việc cô lập ngoại giao với Ả rập Xê út do các cáo buộc liên quan vụ nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post bị sát hại năm 2018. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng trấn an rằng, đây chỉ là một trong hàng loạt cuộc gặp của ông Biden với các nhà lãnh đạo các nước Vùng Vịnh sắp tới.
Các chuyên gia và nhà quan sát quốc tế nhận định, việc lạm phát, giá xăng dầu tăng cao và đang có xu hướng diễn biến xấu hơn nữa do xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải tranh thủ các nước Trung Đông như Ả rập Xê út và UAE. Mục đích là nhằm tăng nguồn cung, kiểm soát giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa nhiệm kỳ đang tới gần, các tính toán về tình hình kinh tế nội bộ đã trở thành ưu tiên cao của chính quyền Biden.
Chiến lược của Mỹ ở Trung Đông
Chính sách của Mỹ trong nhiều thập niên qua đều dựa trên sự hợp tác với các quốc gia Vùng Vịnh, trong đó Ả rập Xê út dẫn đầu. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng từ xa ở khu vực Trung Đông nhằm tránh bị cuốn trực tiếp vào xung đột quân sự. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ thực hiện chiến lược can dự trực tiếp với quy mô lớn, phát động hai cuộc chiến lớn trong khu vực, đưa ra Kế hoạch Đại Trung Đông. Năm 2011, Mỹ bước vào thời kỳ thu hẹp chiến lược ở Trung Đông với cấp độ mới và duy trì đến nay, không can thiệp trực tiếp với quy mô lớn và từ bỏ mục tiêu "dân chủ hóa".
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Trung Đông đã có dấu hiệu đi xuống từ năm 2015 (dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama), làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng quản lý các cuộc khủng hoảng của Mỹ ở khu vực này.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chính sách can thiệp và gây ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, nhất là thời gian cuối nhiệm kỳ, mang nặng dấu ấn cá nhân của ông Trump với các quyết định bất ngờ thúc đẩy xu thế hòa giải tranh chấp giữa Israel và thế giới Ả rập, tăng cường trừng phạt và cô lập Iran… Dù vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ nhưng phải thừa nhận rằng, không ít thì nhiều những chính sách này đã cho thấy tín hiệu hòa bình tích cực ở một khu vực vốn luôn là điểm nóng của thế giới trong nhiều thập niên qua.
Đến thời Tổng thống Joe Biden, ngay từ khi công bố cương lĩnh tranh cử, ông Biden đã cam kết xóa bỏ không ít các di sản ngoại giao của ông Trump, trong đó có chính sách Trung Đông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có một số điều chỉnh nhưng chính sách Trung Đông của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden vẫn có sự kế thừa từ chính quyền tiền nhiệm. Việc chủ trương hạn chế can thiệp trực tiếp vào Trung Đông không dễ dàng do Mỹ vẫn có các lợi ích lớn ở khu vực này. Các mục tiêu cốt lõi của Mỹ ở khu vực này hiện vẫn không đổi.
Một là, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở Trung Đông; đào tạo, hỗ trợ lực lượng quân sự của các quốc gia đồng minh và tăng cường can dự nhằm gia tăng ảnh hưởng đối với các quốc gia mà Mỹ chưa thể tiếp cận bởi đây cũng là địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Trong suốt thập niên qua, sự thu hẹp chiến lược chủ yếu thể hiện ở quan niệm và chất lượng, chứ không phản ánh ở sự hiện diện số lượng quân đội. Theo Newsweek, dù cho Tổng thống Biden đã tìm cách chấm dứt kỷ nguyên được gọi là "những cuộc chiến mãi mãi" mà nước Mỹ đã sa lầy trong hai thập niên qua thì đến nay, binh sĩ Mỹ vẫn còn hiện diện ở Trung Đông. Tính đến tháng 1/2022, vẫn còn tới hơn 30.000 quân Mỹ hiện diện ở khu vực này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá, phạm vi đầy đủ về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Trung Đông khó có thể xác định một cách chính xác.
Trung Đông cũng là khu vực nhận được nhiều viện trợ từ Mỹ. Đối với các "điểm nóng", Mỹ liên tục can dự thông qua các biện pháp không kích, răn đe quân sự, viện trợ quân sự, hỗ trợ đồng minh. Về ngoại giao, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, ngoài việc làm trung gian hòa giải trong tiến trình đàm phán Israel - Palestine, Mỹ thực hiện chính sách "sức ép tối đa" đối với Iran, đưa ra "thỏa thuận thế kỷ" để giải quyết xung đột Israel - Palestine. Bên cạnh đó, Mỹ hối thúc xây dựng Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) - được coi là NATO "phiên bản Trung Đông", làm trung gian hòa giải cho Liên minh Địa Trung Hải, hòa giải mối quan hệ giữa Ả rập Xê út và Qatar, thúc đẩy Israel và các nước Ả rập thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai là, thúc đẩy chính sách chống khủng bố ở khu vực thông qua việc tăng cường hợp tác với các nước để ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính cho những kẻ khủng bố; ngăn chặn việc tuyển chọn thanh thiếu niên gia nhập các tổ chức khủng bố này cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Mỹ, nhất là trong bối cảnh các nhóm phiến quân của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tích cực tập hợp lực lượng tại Iraq, Syria và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda không ngừng tăng cường hoạt động ở châu Phi.
Ba là, tiếp tục can dự vào một số vấn đề nóng ở khu vực như cuộc xung đột Israel - Palestine, vấn đề Syria, căng thẳng ở vùng Sừng châu Phi, tranh chấp giữa Ai Cập và Ethiopia liên quan đến Đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) do Ethiopia xây dựng trên sông Nile Xanh, vấn đề Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền…
Bốn là, bảo đảm việc duy trì nguồn tài nguyên quan trọng, mở rộng cơ hội hợp tác với các nước Vùng Vịnh trong một số lĩnh vực mới như dầu đá phiến, năng lượng tái tạo, bảo toàn và tiết kiệm năng lượng. Tháng 4/2021, Mỹ đóng vai trò trung gian giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga để thống nhất cắt giảm sản lượng dư thừa nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ. Mỹ cũng thúc đẩy thương mại và đầu tư với các quốc gia Trung Đông, nhất là trong bối cảnh đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Xét một cách tổng thể, việc thu hẹp chiến lược của Mỹ tại Trung Đông đã phản ánh sự thay đổi chiến lược của Mỹ về lợi ích toàn cầu. Tầm quan trọng của Trung Đông đã có những sự suy giảm nhất định trong chính sách của Mỹ thời gian qua, nhất là trong bối cảnh Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các ưu tiên chiến lược lớn hơn. Việc Mỹ thu hẹp không gian chiến lược tại Trung Đông đã để lại khoảng trống quyền lực cho các nước lớn trong khu vực như Ả rập Xê út, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và các nước ngoài khu vực như Nga, Trung Quốc, châu Âu nhảy vào tranh giành ảnh hưởng và lấp đầy khoảng trống này.
Đến nay, về cơ bản Mỹ ngầm chấp thuận "thế trận" tại Trung Đông, tuy nhiên có những giới hạn nhất định. Mỹ có không gian thỏa hiệp và nhượng bộ trong nhiều vấn đề nóng nhưng trên nguyên tắc không được vượt qua các "giới hạn đỏ". Các "giới hạn đỏ" với Mỹ chính là các vấn đề liên quan quyền phát ngôn của Mỹ, an toàn của công dân Mỹ, hoạt động của các tổ chức khủng bố hay như việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Chính sách Trung Đông của chính quyền Joe Biden
Tiếp tục hỗ trợ đồng minh Israel và điều chỉnh cách xử lý vấn đề Israel - Palestine
Các nhà phân tích đánh giá, chính quyền Joe Biden vẫn tiếp tục triển khai một số chính sách gây tranh cãi của chính quyền tiền nhiệm, nhất là các vấn đề liên quan đến Israel - đồng minh lâu năm của Mỹ.
Hiện ông Biden vẫn duy trì Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem, củng cố nguyên trạng đã thay đổi do chính quyền cũ thiết lập; không đảo ngược việc chính quyền Trump công nhận yêu sách chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.
Chính quyền Joe Biden cũng chấp nhận các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Ả Rập (UAE, Bahrain, Ma rốc và Sudan) như một phần của "Hiệp định Abraham" do chính quyền Trump làm trung gian. Chính quyền Biden cũng tiến hành nhiều bước nhằm ổn định thỏa thuận, trong đó có việc cho phép thực hiện hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-35 cho UAE và duy trì sự công nhận của chính quyền tiền nhiệm đối với chủ quyền của Ma rốc ở khu vực Tây Sahara.
Mỹ cũng sẽ cung cấp gói viện trợ 700 triệu USD cho Sudan theo cam kết từ thời chính quyền Trump như một phần của thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Chính quyền Biden thậm chí cũng không chỉ trích các vi phạm nhân quyền của Israel với người Palestine.
Giới phân tích đánh giá, an ninh của Israel thực tế vẫn là ưu tiên hàng đầu với Mỹ. Tuy nhiên, hiện Nhà Trắng không thể trao cho Israel lợi ích như chính quyền Trump, do đó, sẽ ít có khả năng gây sức ép lớn hơn. Do đó, Tổng thống Biden chỉ có thể linh hoạt giữ một số chính sách còn hiệu quả và điều chỉnh theo quỹ đạo truyền thống của ngoại giao Mỹ, nắm chắc quan hệ cân bằng và toàn diện hơn giữa các bên.
Đối với quan hệ Israel - Palestine, chính quyền Trump thực hiện chính sách ủng hộ Israel và không chấp nhận "phương án hai nhà nước", đồng thời tuyệt đối từ chối thiện chí đàm phán của Palestine bất chấp phản ứng quyết liệt cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã có sự điều chỉnh khi thể hiện sự ủng hộ với "phương án hai nhà nước" nhằm xây dựng hình ảnh của Mỹ trên thế giới theo đúng phương châm tranh cử của ông Biden là "Đưa nước Mỹ trở lại". Ngoài tuyên bố ủng hộ "phương án hai nhà nước", hiện chính quyền Biden vẫn chưa có hành động thực tế nào để thúc đẩy vấn đề này.
Không xem nhẹ Ả rập Xê út
Mối quan hệ này luôn bị các thành viên của đảng Dân chủ Mỹ chỉ trích mạnh mẽ, nhất là sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post bị sát hại vào năm 2018 và sau việc Ả rập Xê út dẫn đầu cuộc tấn công quân sự vào Yemen năm 2015, khiến Liên Hợp Quốc phải gọi đây là "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới".
Ông Joe Biden đã tuyên bố chấm dứt hỗ trợ của Mỹ đối với "các hoạt động tấn công" do Ả Rập Xê út dẫn đầu ở Yemen, nhưng nhấn mạnh Mỹ không từ bỏ Ả Rập Xê út và tiếp tục hỗ trợ vương quốc này "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như người dân của mình".
Thậm chí, chính quyền Biden đã quyết định bán cho Ả rập Xê út 280 tên lửa không đối không AIM-120C với tổng trị giá lên tới 650 triệu USD cũng như thỏa thuận bảo trì máy bay trực thăng trị giá 500 triệu USD.
Hướng đến việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran
Ngày 9/5/2018, ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) được ký hồi năm 2015 và sau đó là triển khai chiến dịch trừng phạt "gây áp lực tối đa" đối với Iran, khiến chương trình hạt nhân của Iran ngày càng leo thang.
Mặc dù luôn coi việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại hàng đầu nhưng chính quyền Biden vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp trừng phạt đối với Iran từ thời chính quyền Trump, đồng thời bổ sung thêm một số biện pháp trừng phạt khác. Đồng thời, Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran nhằm khôi phục thỏa thuận trên.
Nhìn chung, chính sách gần đây của Mỹ không gửi thông điệp cứng rắn hoặc thay đổi rõ ràng nào tới Trung Ðông. Thay vào đó, Washington chỉ muốn cho thấy họ vẫn đang dành sự quan tâm cho khu vực khi những diễn biến an ninh ở đây trở nên phức tạp. Giải quyết các vấn đề ở Trung Đông vẫn là một bài toán khó đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tương lai của Trung Đông, một khu vực phải đối mặt với những thách thức và bất ổn kéo dài trong nhiều thập niên qua, có thể ổn định hay không không chỉ dựa vào một mình Mỹ hay bất kỳ cường quốc nào mà còn phải có sự hỗ trợ của cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những cường quốc khác có ảnh hưởng và lợi ích trong khu vực và trên thế giới.
Nguyên Long
Theo New York Times, CBS, Politico, Newsweek