Lý do các nước Trung Đông không "nối gót" Mỹ trừng phạt Nga
(Dân trí) - Cho đến nay, không quốc gia nào ở Trung Đông, kể cả Israel, công khai ủng hộ Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga, bất chấp sức ép của Washington trong vấn đề Ukraine.
Theo Asia Times, cộng đồng thế giới đang lo ngại trước những căng thẳng leo thang giữa một bên là Mỹ cùng các đồng minh NATO và bên kia là Nga xung quanh vấn đề Ukraine.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Moscow.
Tuy nhiên, cho đến nay, các quốc gia Hồi giáo chưa lên tiếng ủng hộ Washington trong cuộc đối đầu với Nga, hoặc thậm chí công khai chỉ trích việc Nga đưa quân vào Ukraine, mặc dù họ sẽ là các bên liên quan nếu xung đột leo thang.
Ả rập Xê út mới đây đã từ chối đề nghị của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc không tăng sản lượng dầu để hạ giá dầu vốn tăng vọt do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra. Riyadh vẫn thực hiện đúng với thỏa thuận về sản lượng mà họ đã cam kết với Nga trong tổ chức OPEC +, vốn để điều chỉnh nguồn cung trên thị trường dầu thế giới.
Đối thủ của Ả rập Xê út là Iran và Syria đã công khai ủng hộ Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị hòa giải giữa Nga - Ukraine và thực sự đã bắt tay vào việc dàn xếp các cuộc đàm phán ở Belarus.
Qatar cũng kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế" và không đổ lỗi cho Nga. Nước này cũng chỉ ra rằng họ không thể tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), hoặc chuyển hướng xuất khẩu LNG sang châu Âu với số lượng đáng kể.
Trong khi đó, mối quan tâm chính của Ai Cập là xung đột ở Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp lúa mì của Nga và Ukraine qua Biển Đen và eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế khó của Israel
Theo Asia Times, chính phản ứng của Israel mới gây chú ý nhất.
Israel đã ngăn việc Mỹ chuyển giao cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa Dome (Vòm sắt), vũ khí vốn có thể sẽ thay đổi "cuộc chơi" trong cuộc xung đột hiện nay, với lý do nước này không muốn hành động chống lại Nga. Cả Washington và Tel Aviv đều giấu kín vấn đề này cho đến khi giới truyền thông tiết lộ gần đây.
Sau đó, chính quyền Tổng thống Biden tìm kiếm sự hỗ trợ từ Israel để đồng bảo trợ cho nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan đến Ukraine. Tel Aviv đã từ chối dù Washington công khai thể hiện thái độ không hài lòng.
Sau đó, trong một cuộc nói chuyện tại Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow, Đại sứ Israel đã được phía Nga hỏi rằng liệu đất nước của ông có nhận thức được những gì đang xảy ra ở Ukraine.
Phản ứng của Đại sứ Israel trước câu hỏi này không được tiết lộ, nhưng một diễn biến bất ngờ đã xảy ra khi Thủ tướng Israel Naftali Bennett gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm 27/2 đề nghị hòa giải về vấn đề Ukraine.
Truyền thông Nga đưa tin ngắn gọn: "Đến lượt Thủ tướng Israel Naftali Bennett đề nghị làm trung gian hòa giải để ngăn chặn các hành động quân sự".
Theo nguồn tin, Tổng thống Putin đã thông báo ngắn gọn cho người đồng cấp Bennett về hoạt động quân sự đặc biệt để bảo vệ Donbass và giải thích rằng Moscow "sẵn sàng đàm phán với các đại diện của Kiev, những người đã cho thấy một cách tiếp cận không nhất quán cho đến nay và chưa tận dụng cơ hội này".
Israel đang ở trong tình huống khó xử. Mỹ là đồng minh thân cận của nước này và Thủ tướng Bennett đã thận trọng không để những bất đồng với chính quyền Tổng thống Biden căng thẳng hơn nữa, giống thời người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu.
Mặt khác, Israel có mối quan hệ rất đặc biệt với Nga, với thực tế lịch sử là nước này từng hứng chịu nhiều đau thương dưới thời Đức Quốc xã. Trong khi đó, hơn 20 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống phát xít trong Thế chiến II.
Theo các chuyên gia, những động thái nói trên phản ánh rằng nhiều đồng minh của Mỹ đôi khi ưu tiên các mối đe dọa khác so với Washington, trong đó có mối lo ngại về Iran. Họ lo ngại việc hợp tác với Mỹ có thể khiến Nga nghiêng hơn về phía Iran.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng vì Mỹ ít cam kết hơn trong việc bảo vệ các đồng minh Trung Đông nên các nước ở khu vực này lo ngại việc phản đối Nga sẽ rủi ro hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích nào từ việc này.