1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nơi đầu tiên trên thế giới qua đỉnh dịch Omicron

Minh Phương

(Dân trí) - Nam Phi được cho là đã qua đỉnh dịch trong làn sóng Covid-19 do biến chủng Omicron gây ra chỉ sau một thời gian ngắn và không nghiệm trọng bằng các làn sóng trước.

Nơi đầu tiên trên thế giới qua đỉnh dịch Omicron - 1

Giới chuyên gia Nam Phi tin rằng nước này đã qua đỉnh dịch Omicron trong thời gian ngắn (Ảnh: Getty).

Ridhwaan Suliman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Nam Phi (CSIR) hôm 22/11 cho biết, nước này đã qua đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm Omicron mà dấu hiệu rõ nhất là số ca nhiễm đã giảm tại Gauteng - tỉnh đông dân nhất và cũng là tâm dịch Omicron.

Michelle Groome, một chuyên gia của Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD), cũng có chung nhận định. Ông nói: "Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy chúng tôi đã qua đỉnh lây nhiễm ở Gauteng".

Ông Suliman cho biết thêm, hầu hết các tỉnh khác cũng đã qua đỉnh dịch. Số ca nhiễm Covid-19 ở Nam Phi trong tuần tính đến ngày 18/12 đã giảm gần 21%. Trong đó, tỉnh North West giảm 23%, tỉnh Limpopo giảm 14%, tỉnh Mpumalanga giảm 6%.

Ông Suliman mô tả, trong làn sóng Covid-19 thứ 4 do Omicron gây ra, số ca nhiễm tăng nhanh hơn với đồ thị lây nhiễm dựng đứng, nhưng có thời gian ngắn hơn so với các làn sóng trước đó. "Làn sóng này chỉ mất một nửa thời gian so với các đợt sóng trước để đạt đến đỉnh", ông nói.

Ông Suliman nói, mặc dù tỷ lệ dương tính vẫn còn cao 29,8% nhưng số ca nhiễm giảm là thực tế và tỷ lệ tử vong tuy có tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với đợt dịch do Delta gây ra.

Một nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia NICD cho biết, nguy cơ nhập viện ở những người nhiễm biến chủng Omicron ở Nam Phi trong thời gian từ ngày 1/10 đến 30/11 giảm 80% so với những người nhiễm biến chủng khác cùng thời điểm đó.

Những dữ liệu từ Nam Phi làm dấy lên hy vọng thế giới có thể dễ kiểm soát làn sóng lây nhiễm Omicron hơn so với làn sóng Delta. Mặc dù vậy, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các nước vẫn nên thận trọng bởi phải mất vài tuần nữa mới có thể xác định được mức độ nghiêm trọng của biến chủng này.