1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những vụ tai nạn hàng không do phi công “tự sát"

(Dân trí) - Thế giới đã bị sốc khi cơ quan điều tra Pháp khẳng định phi công Andreas Lubitz của hãng Germanwings có vẻ cố ý gây tai nạn, khiến 150 người tử nạn. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên một vụ tai nạn máy bay do phi công tự sát được ghi nhận.

Tai nạn hàng không đang là nỗi ám ảnh với người đi máy bay (Ảnh: Internet)
Tai nạn hàng không đang là nỗi ám ảnh với người đi máy bay (Ảnh: Internet)

Năm 2013: Hãng Mozambican Airlines, chuyến bay TM-470

Ngày 29/11/2013, chuyến bay chuyến bay TM470 của Mozambican Airlines đang trên đường từ thủ đô Maputo tới Angola đã bị rơi tại công viên quốc gia Namibia, làm 33 người có mặt trên khoang tử nạn.

Sau quá trình điều tra, giới chức hàng không đã ra phán quyết khẳng định, máy bay không gặp trục trặc kỹ thuật, mà tai nạn do cơ trưởng chuyến bay “có ý định rõ ràng” gây ra.

Khi cơ phó rời cabin để đi vệ sinh, cơ trưởng Dos Santos Fernandes đã 3 lần chỉnh thiết bị kiểm soát độ cao bằng tay, đưa máy bay lao từ độ cao hành trình 11.582m xuống chỉ còn 180m, trước khi rơi. Dữ liệu hộp đen cho thấy chuông báo động trong buồng lái réo inh ỏi còn ngoài cửa lái phụ cố gắng đập cửa xông vào nhưng bất thành.

Năm 1999: Hãng Egyptair, chuyến bay 990

Ngày 31/10/1999, chiếc Boeing 767-300ER của Egypt Air trên đường từ Los Angeles về Cairo, quá cảnh tại New York đã lao xuống Đại Tây Dương, tại vị trí cách thành phố Nantucket, bang Massachusetts chừng 100km về phía Nam, khiến 217 hành khách thiệt mạng.

Ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ kết luận, tai nạn do một trong hai phi công cố tình gây ra. Tuy nhiên, giới chức Ai Cập phủ nhận báo cáo này, và kết luận đây là sự cố kỹ thuật.

Đoạn ghi âm buồng lái được giải mã cho thấy, trong những phút cuối cơ phó el-Batouty đã hét lên nhiều lần: “Tôi phó thác mình cho Chúa”, sau khi khóa trái cửa buồng lái, nhốt cơ trưởng ở ngoài trong lúc người này đi vệ sinh.

Năm 1997: Hãng Silkair, chuyến bay 9525

Chiếc Boeing 737 với hành trình tới Singapore, chở theo 104 người trên khoang đã lao xuống sông Palembang của Indonesia không lâu sau khi cất cánh, một ngày tháng 12/1997. Cơ quan điều tra Mỹ sáu đó phát hiện bộ ghi âm buồng lái đã bị ngắt một cách có chủ ý, còn phi công Tsu Way Ming bỏ mặc cho máy bay lao xuống trong tư thế cắm đầu.

Năm 1994: Hãng Royal Air Maroc, chuyến bay 185

44 người đã tử nạn khi chiếc máy bay 2 động cơ cánh quạt ATR-42 của Royal Air Maroc lao vào núi Atlas, chỉ 10 phút sau khi cất cánh từ sân bay Agadir tại Ma-rốc. Cơ quan điều tra phát hiện, tai nạn là do “hành động có chủ ý của phi công, người muốn kết liễu đời mình”, hãng tin AP trích dẫn.

Dù vậy, nghiệp đoàn phi công Ma-rốc sau đó đã phản bác kết luận trên, cho rằng cơ trưởng đã phát tín hiệu có trục trặc kỹ thuật trước khi cất cánh.

Năm 1984: Hãng Japan Air Lines, chuyến bay DC-8

Chuyến bay DC-8 đã lao xuống sân bay Haneda tại Tokyo, khi chỉ còn cách đường băng chính 274m sau một cuộc vật lộn trong buồng lái, cơ quan điều tra khẳng định.

Trên máy bay khi đó có 174 người, và 24 người trong số này đã thiệt mạng. Theo tờ New York Times, cơ trưởng chuyến bay này từng bị đình bay một năm để điều trị rối loạn tâm thần.

Năm 2015: Hãng Germanwings, chuyến bay 4U9525

Toàn bộ 150 người có mặt trên chiếc Airbus A320, chuyến bay số hiệu 4U9525 đã tử nạn khi đang trên hành trình từ Barcelona, Tây Ban Nha, tới Dusseldorf, Đức. Máy bay bị rơi hôm thứ Ba, trên khu vực dãy An-pơ trong lãnh thổ Pháp.

Cơ quan công tố Pháp ngày 26/3 cho biết cơ phó Andreas Lubitz dường như đã cố ý khiến máy bay hạ độ cao nhanh chóng, với “mong muốn phá hủy” chiếc Airbus. Lubitz đã khóa trái cửa sau khi cơ trưởng rời buồng lái, và khiến máy bay lao vào núi ở vận tốc 700km/h.

Thanh Tùng
Tổng hợp